Cô giáo trẻ "ươm mầm" tri thức trên non cao
Dù mưa hay nắng, lúc dân làng vào mùa vụ… lớp học của cô giáo Ngọc Linh vẫn rộn vang như bầy chim Ch’rao hót giữa núi rừng Tây Nguyên.
Cô giáo Lê Thị Ngọc Linh miệt mài gieo chữ nơi vùng cao. 
Ảnh: Quang Thái-TTXVN

Tám năm đứng trên bục giảng, cô giáo Lê Thị Ngọc Linh (29 tuổi) với đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ bám làng, bám trường, miệt mài mang con chữ đến với từng học sinh dân tộc thiểu số xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

Ở phía Đông tỉnh Gia Lai, xã Đăk Pơ Pho, huyện nghèo Kông Chro nằm thỏm giữa núi rừng. Nép mình bên con suối nhỏ chảy qua làng, điểm trường làng Trong thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho) vang vang tiếng cô trò luyện chữ. Dù mưa hay nắng, lúc dân làng vào mùa vụ… lớp học của cô giáo Ngọc Linh vẫn rộn vang như bầy chim Ch’rao hót giữa núi rừng Tây Nguyên.

Sinh ra tại thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro), từ nhỏ, Lê Thị Ngọc Linh thường theo mẹ vào các xã vùng sâu để bán hàng và thu mua nông sản. Tại đây, Linh chứng kiến các bạn cùng trang lứa thiếu ăn, thiếu mặc, không được đến trường nên mơ ước trở thành cô giáo để giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

“Ngoài mong muốn giúp đỡ các bạn nhỏ vùng sâu thiệt thòi, tôi thích làm cô giáo vì thời đi học được thầy cô quan tâm, dành nhiều tình cảm. Hình ảnh về người thầy thật lớn lao nên tôi mong muốn được noi theo”, cô Linh chia sẻ.

Niềm vui vỡ òa khi Linh thi đỗ vào Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Quy Nhơn. Những lần đi thực tế, được học sinh gọi là cô giáo khiến Linh rất vui, cảm giác đó một lần nữa giúp cô khẳng định bản thân đã chọn đúng nghề.

Năm 2017, sau khi được biên chế, cô Lê Thị Ngọc Linh xin về Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho), một xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Kông Chro, cách nhà khoảng 12km.

Về công tác ở xã vùng sâu với bao khó khăn nhưng bằng sức trẻ, nhiệt huyết, tình yêu từng con chữ, những nỗ lực của cô giáo Linh đã đưa điểm trường làng Trong trở thành điểm sáng trong công tác dạy và học.

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc duy trì sĩ số và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần của học sinh gặp nhiều khó khăn. Không chùn bước, cô Linh tìm hiểu và áp dụng nhiều giải pháp giúp học sinh bám lớp, yên tâm học chữ.

Ngày nào cũng vậy, cô Linh thường có mặt ở điểm trường làng Trong từ lúc 6 giờ 15 phút để dọn vệ sinh lớp và đón học sinh. Sau mỗi giờ học, cô Linh đến tận gia đình tìm hiểu vận động các em đến lớp.

Song song với công tác dạy và học, cô Linh tích cực về làng tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương. Từ sự gần gũi này, cô và bà con trong làng ngày càng thân thiết, từ đó, giúp cô có nhiều thuận lợi trong vận động học sinh đi học. Khoảng 2-3 tuần, cô Linh lại đi đến từng gia đình học sinh để tìm hiểu, động viên phụ huynh cho con em đi học chuyên cần.

Cô giáo Lê Thị Ngọc Linh miệt mài gieo chữ nơi vùng cao.
Ảnh: Quang Thái-TTXVN

Đặc biệt, vào mùa nương rẫy, học sinh nghỉ học ngày một nhiều. Có những em học buổi sáng còn đi học, buổi chiều lại nghỉ khiến tỷ lệ chuyên cần không đảm bảo. Nhìn nhận rõ nguyên nhân khiến các em nghỉ học là do bố mẹ đi làm rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về, các em đói bụng nên không muốn đi học, thương học trò, cô Linh vận động nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ từng thùng mì tôm giúp đỡ các em. Có khi, cô Linh nấu mì tôm cho các em ăn tại điểm trường. Những gói mì tôm đơn sơ nhưng ấm lòng, đặc biệt là tấm lòng của cô giáo đã níu chân học trò đến lớp.

Trước khi đến dạy ở điểm trường làng Trong, cô Linh từng công tác ở các điểm trường làng: Dyrao, Kúc Gmối, Kúc Rờng (xã Đăk Pơ Pho). Ở điểm trường nào, cô cũng dành trọn tình thương cho học trò.

Năm học 2022-2023 và 2023-2024, cô Linh được phân công dạy học ở điểm trường làng Dyrao. Một tuần có 3 buổi học cả ngày, sợ học trò nghỉ học, cô Linh tổ chức bữa ăn bán trú. Ban đầu, cô tự bỏ tiền túi để lo bữa ăn cho học sinh. Tiếng lành đồn xa, việc làm ý nghĩa của cô truyền đến tai các nhà hảo tâm. Họ ủng hộ hơn 1,5 triệu đồng/tháng để cô Linh duy trì bữa cơm trưa cho học trò.

Cô đi chợ mua và sơ chế món ăn từ tối hôm trước để 4 giờ hôm sau dậy nấu cho kịp giờ đến lớp. Suốt 2 năm học, hành trang của cô Linh không chỉ là những trang giáo án mà còn là hộp đựng chén bát, đồ ăn cho học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần của lớp được duy trì và nâng cao.

“Dù là suất ăn miễn phí nhưng tôi cố gắng đảm bảo chất dinh dưỡng để các con ăn ngon miệng, có sức học tập. Nhìn thấy bữa cơm trưa có cá, thịt, canh, học sinh vui, dùng bữa ngon lành, mình xúc động lắm”, cô Linh chia sẻ.

Nhờ sự tận tâm với học trò, cô Linh thường xuyên được các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ. Những phần quà được gửi đến cho cô và trò như quần áo cũ, sách giáo khoa, ba lô, sách vở, dụng cụ học tập, sữa và nhu yếu phẩm. Với quần áo, cô phân loại, giặt sạch sẽ rồi đem tặng học sinh trong xã. Cô còn kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm cho học sinh mồ côi, ốm đau và có hoàn cảnh khó khăn.

Khắc phục sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, cô Linh tận dụng những chiếc chai nhựa, bìa giấy carton, hòn cuội trang trí màu sắc bắt mắt để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác dạy và học. Cô còn khéo léo lồng ghép những câu chuyện, hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của các em vào bài giảng để gợi mở, liên hệ thực tế, giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Không chỉ gắn bó với lớp, với trò, mỗi khi làng có việc, cô Linh nhiệt tình tham gia, phụ giúp nên được người dân ủng hộ, tin tưởng.

Thầy Nguyễn Khắc Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Tám, những năm học qua, cô Lê Thị Ngọc Linh đều xung phong đảm nhận nhiệm vụ công tác tại các điểm trường làng và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc cô được tuyên dương và nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của cá nhân cô mà còn với cả tập thể sư phạm nhà trường. Tin tưởng rằng, cô Linh tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ "gieo mầm" tri thức cho các thế hệ học trò ở vùng khó./.

Tin liên quan

Khát vọng cống hiến từ vùng đất khó M’Drắk

Trong hành trình gieo chữ nơi vùng đất gian khó huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk), cô giáo trẻ Nguyễn Vân Nhi (sinh năm 1989) đã vượt qua nhiều thử thách để mang ánh sáng tri thức đến với các em học sinh dân tộc thiểu số.

Tin cùng chuyên mục

Lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em

Các em đã đưa ra kiến nghị liên quan đến bổn phận của trẻ em đối với gia đình, nhà trường và xã hội; xây dựng văn hóa học đường; quan tâm đầu tư phòng máy tính để các em được học, ôn thi trực tuyến tại trường, giảm gánh nặng cho phụ huynh…

Giải bóng bàn Mỹ mở rộng 2024: Đỗ Lê Vân Chi và Đỗ Lê Vân Linh xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc

Tại Giải bóng bàn Mỹ mở rộng 2024, hai chị em ruột Đỗ Lê Vân Chi (14 tuổi) và Đỗ Lê Vân Linh (13 tuổi) đã xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng ở nội dung Đôi nữ lứa tuổi U17, 1 Huy chương Bạc ở nội dung Đôi nữ lứa tuổi U15. Giải bóng bàn Mỹ mở rộng 2024 diễn ra tại thành phố Las Vegas (Mỹ) từ ngày 16-21/12/2024. Giải đấu quy tụ 1.478 vận động viên đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.  

Cuộc thi Bàn tính số học trí tuệ (UCMAS) 2024: 12 học sinh Việt Nam đều đoạt giải

Tại cuộc thi Bàn tính số học trí tuệ (UCMAS) 2024 ở lứa tuổi từ 4-14, được tổ chức tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ từ ngày 14-15/12/2024, toàn bộ 12 học sinh Việt Nam đều đoạt giải. Trong đó 3 giải vô địch thuộc về các thí sinh Lê Nguyễn Thùy Dương (Nhóm E - Hà Nội), Nguyễn Chấn Hưng (Nhóm Z - Hà Nội) và Chương Gia Khánh (Nhóm A1 - Bình Tân).

Trí thức trẻ Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ về sự nghiệp trong lĩnh vực IT

Ngày 14/12, Hội Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) đã tổ chức thành công sự kiện “VPJ Career Forum 2024: Xu hướng tương lai và con đường sự nghiệp” tại Tokyo, Nhật Bản. Với sự tham gia của hơn 100 trí thức người Việt trẻ tại Nhật Bản cùng sự góp mặt của 5 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), sự kiện đã mang lại nhiều giá trị thiết thực, giúp những bạn trẻ định hình rõ hơn về tương lai nghề nghiệp của mình.