Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, báo cáo mới nhất của tổ chức tư vấn và nghiên cứu thị trường Coherent Market Insights cho thấy thị trường thực phẩm Halal MENA được dự báo sẽ tăng trưởng 9,15%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Quy mô thị trường thực phẩm Halal của MENA dự kiến tăng từ 192,6 tỷ USD năm 2022 lên hơn 228 tỷ USD năm 2024. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường này được thúc đẩy bởi hai động lực chủ chốt. Thứ nhất, dân số Hồi giáo ngày càng tăng trên khắp MENA, với việc người Hồi giáo luôn tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về chế độ ăn kiêng Halal đang thúc đẩy nhu cầu đối với các thực phẩm Halal được chứng nhận. Tổng dân số Hồi giáo ở MENA ước vào khoảng 500 triệu người hiện nay và dự kiến sẽ vượt 600 triệu người vào năm 2030. Thứ hai, sở thích và nhu cầu ngày càng tăng của thế hệ Hồi giáo trẻ đối với các sản phẩm tiện lợi Halal đóng gói và ăn liền cũng đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Theo đánh giá của giới chuyên gia, khi các nền kinh tế trong khu vực phát triển và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, người tiêu dùng có sức mua cao hơn và sẵn sàng chi cho các sản phẩm thực phẩm Halal chất lượng cao. Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm Halal cao cấp và có giá trị gia tăng cũng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường MENA.
Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường Halal MENA, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo quy định của luật Hồi giáo. Luật Hồi giáo có các đạo luật mang đậm màu sắc tôn giáo. Halal là tiêu chuẩn dựa trên luật Hồi giáo, trong đó có các quy định đặc biệt liên quan đến vấn đề ăn kiêng, nguồn gốc thức ăn và cách chế biến theo một quy trình riêng biệt. Halal trong tiếng Arab có ý nghĩa là "sự cho phép" hay "hợp pháp", trái với Haram (không được phép, bị cấm).
Tiêu chuẩn Halal bao gồm các quy định, thể hiện sự phù hợp dành cho người tiêu dùng Hồi giáo. Chứng nhận Halal là một căn cứ để chứng minh các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm Halal tuân thủ các quy định của luật Hồi giáo. Thực phẩm Halal được định nghĩa là thực phẩm không có thành phần mà cộng đồng Hồi giáo không được phép tiêu thụ. Theo quy định của luật Hồi giáo, thực phẩm Halal được sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối theo các quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Do đó, các thực phẩm Halal được chứng nhận là những sản phẩm đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạo đức trong quy trình chế biến, chất lượng, xanh, sạch, đảm bảo sức khỏe.
Thực phẩm Halal bao gồm thịt gia súc, gia cầm, hải sản, trái cây, rau quả, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, dầu ăn, chất béo, bánh kẹo... Thịt gia súc, gia cầm và hải sản là những phân khúc cơ bản và chiếm phần lớn thị phần trong thị trường thực phẩm Halal. Đặc biệt, thịt tiêu chuẩn Halal cực kỳ quan trọng đối với người tiêu dùng Hồi giáo. Nhu cầu về thịt tiêu chuẩn Halal, bao gồm thịt bò, thịt cừu, thịt gà và hải sản, vẫn luôn ở mức cao.
Thị trường thực phẩm Halal yêu cầu chứng nhận nghiêm ngặt để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn Halal. Để đáp ứng tiêu chí này, thực phẩm Halal phải được sản xuất, chế biến thông qua các quy trình đảm bảo vệ sinh và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Việc thiếu các tiêu chuẩn và hướng dẫn trong quy trình chứng nhận là một trong những vấn đề chính mà ngành thực phẩm Halal toàn cầu đang phải đối mặt.
Mỗi quốc gia lại áp dụng các quy trình chứng nhận Halal khác nhau. Một số quốc gia thường yêu cầu các kỹ thuật giết mổ riêng biệt, trong khi các quốc gia khác có nhiều quy định hơn về xử lý và chế biến thực phẩm Halal. Hơn nữa, việc thiếu minh bạch liên quan đến các thành phần được sử dụng để chế biến thực phẩm Halal cũng cản trở nỗ lực mở rộng thị trường của doanh nghiệp.
Thị trường thực phẩm Halal Ai Cập là một trong những trường lớn và khá cởi mở về quy định Halal. Với dân số hơn 106 triệu người, trong đó 90% theo đạo Hồi, Ai Cập có quy mô thị trường thực phẩm Halal ước đạt gần 5,4 tỷ USD năm 2024. Do sản lượng trong nước không đáp ứng được nhu cầu, Ai Cập phải phụ thuộc vào 50% nguồn thực phẩm Halal nhập khẩu. Ấn Độ và Brazil hiện chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường thực phẩm Halal Ai Cập, tiếp đến là Indonesia, Colombia, Paraguay... Ngoài ra, Ai Cập cũng nhập khẩu gia súc sống (dê và cừu) từ Somalia và Djibouti. Mỗi năm, Ai Cập tiêu thụ khoảng 2,5 triệu con gia súc (chủ yếu là bò, dê và cừu).
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại khu vực MENA, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng cho biết Ai Cập là quốc gia Hồi giáo với khoảng 98 triệu giáo dân, là thị trường thực phẩm Halal rất lớn. Đến nay, các quy định về thực phẩm Halal của Ai Cập vẫn còn tương đối mở, trong đó các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm Halal của Ai Cập mới chỉ kiểm soát tiêu chuẩn đối với các loại gia súc, gia cầm và các chế phẩm từ gia súc và gia cầm. Ai Cập đang tạm hoãn yêu cầu chứng nhận Halal đối các sản phẩm sữa đến ngày 31/12/2025. Từ năm 2026, Ai Cập sẽ bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn Halal đối với các chế phẩm sữa nhập khẩu. Đại sứ Nguyễn Huy Dũng nhận định đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và đưa hàng hóa vào Ai Cập trong thời gian tới.
Tại Ai Cập, IS EG Halal là cơ quan chính thức duy nhất chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận Halal cho tất cả các thực phẩm Halal nhập khẩu vào nước này. IS EG Halal cấp giấy chứng nhận Halal cho hơn 1.000 khách hàng là các nhà cung cấp với tổng giá trị các lô hàng trên 2 tỷ USD mỗi năm. Trước khi cấp giấy chứng nhận Halal cho sản phẩm, IS EG Halal sẽ thực hiện quy trình 4 bước, bao gồm đánh giá; kiểm tra; chứng nhận; cung cấp-hỗ trợ. IS EG Halal sẽ cử chuyên gia của mình đến tận cơ sở sản xuất để thực hiện các quy trình trên. Mới đây nhất, IS EG Halal đã đặt văn phòng Halal Market India tại Ấn Độ để kiểm tra, kiểm soát và chứng nhận cho tất cả các sản phẩm thịt được xuất khẩu từ Ấn Độ sang Ai Cập.
Saudi Arabia là thị trường thực phẩm Halal lớn nhất tại MENA với quy mô thị trường dự kiến đạt 60,03 tỷ USD năm 2024. Mức tăng trưởng của thị trường này được dự báo đạt 3,8%/năm trong giai đoạn 2023-2029. Phân khúc lớn nhất của thị trường thực phẩm Halal Saudi Arabia là thủy hải sản, với giá trị ước đạt 10,63 tỷ USD năm 2024.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng cho biết với dân số hơn 34 triệu người và Hồi giáo là quốc đạo, các loại thực phẩm tại thị trường Saudi Arabia 100% là thực phẩm Halal.
Với khí hậu sa mạc nắng nóng, hoạt động sản xuất thực phẩm Halal của Saudi Arabia chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong nước. Do đó, Saudi Arabia phụ thuộc tới 85-95% các sản phẩm thực phẩm Halal nhập khẩu. Theo Đại sứ, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và nguyên liệu sản xuất thực phẩm theo quy trình Halal sang thị trường Saudi Arabia như thịt cừu, dê, bò, thủy sản chế biến, mỳ gói, đồ uống, bánh kẹo, mỹ phẩm... Đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn, cũng là cửa ngõ để trung chuyển thực phẩm Halal sang các quốc gia Trung Đông khác như Kuwait, Jordan và Bahrain.
Đại sứ Đặng Xuân Dũng nêu rõ điều kiện tiên quyết để tiếp cận được thị trường thực phẩm Halal Saudi Arabia phải là sản phẩm Halal, có chứng chỉ chứng nhận Halal. Quy trình nuôi trồng, sản xuất, giết mổ động vật và chế biến phải tuân thủ các quy định của luật Shariah của đạo Hồi. Điều kiện thứ hai là chứng nhận Halal cho sản phẩm phải được tổ chức chứng nhận Halal của Saudi Arabia công nhận.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có một đơn vị cấp chứng nhận Halal được Saudi Arabia công nhận. Đại sứ cũng chỉ một số thách thức đối với một số sản phẩm Halal của Việt Nam tại thị trường Saudi Arabia. Một số sản phẩm Halal của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường Saudi Arabia nhưng với số lượng còn ít, giá trị chưa cao, tiếp cận chứng nhận Halal còn khó khăn... Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác vốn đã có chỗ đứng trên thị trường Halal, trong đó mạnh nhất là Ấn Độ, Brazil và Mỹ. Theo Đại sứ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chăn nuôi và sản xuất thực phẩm Halal, bên cạnh những khó khăn khác như nhân lực còn yếu, chuyên môn chưa cao; độ tin tưởng của khách hàng còn hạn chế; đầu tư cho dây chuyền sản xuất thực phẩm Halal thường có chi phí lớn trong khi việc thu hồi vốn chậm hơn so với việc sản xuất các sản phẩm thông thường khác. Hơn nữa, chứng nhận Halal trên thế giới hiện nay không đồng nhất giữa các quốc gia Hồi giáo, khiến doanh nghiệp Việt Nam cùng lúc phải tiếp cận nhiều loại chứng nhận Halal khác nhau cho cùng một sản phẩm khi đưa vào các thị trường khác nhau, qua đó làm gia tăng chi phí./.
Nguyễn Trường