Cột cờ Quốc gia Lũng Cú - Nơi non sông gửi trọn hồn thiêng dân tộc
Cột cờ Lũng Cú không chỉ là điểm du lịch, còn là chốn thiêng liêng bao người dân Việt mong được một lần đặt chân tới.


Cột cờ Lũng Cú có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. 
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Nằm sừng sững trên đỉnh núi Rồng, giữa đại ngàn núi đá tai mèo trập trùng của Cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang), Cột cờ Quốc gia Lũng Cú không chỉ là điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, còn là biểu tượng hào hùng của chủ quyền quốc gia. Nơi đây, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió đại ngàn, ghi dấu bao thế hệ người Việt đổ mồ hôi, xương máu gìn giữ từng tấc đất cha ông để lại.

* Cột cờ - Dấu ấn khẳng định chủ quyền

Lũng Cú - tên gọi đã in đậm trong tâm khảm mỗi người con đất Việt mang trong mình nhiều truyền thuyết thi vị. Có giả thuyết cho rằng, “Lũng Cú” là cách gọi chệch của “Long Cư”, nghĩa là nơi Rồng ở. Đỉnh núi cao nhất của vùng đất này được gọi là núi Rồng, gợi lên hình ảnh linh thiêng giữa trời đất. Một cách lý giải khác, theo tiếng Mông, “Lũng Cú” nghĩa là “Lũng Ngô”, bởi nơi đây từng là cánh đồng ngô xanh rì trù phú. Cũng có truyền thuyết kể rằng, Lũng Cú là tên vị thủ lĩnh người Lô Lô có công khai khẩn, giữ gìn vùng đất biên cương suốt bao đời.

Người dân nơi đây truyền nhau câu chuyện cảm động về đôi “mắt Rồng”. Trước khi bay về trời, Rồng tiên thương cảm trước cảnh dân làng thiếu nước nên đã để lại đôi mắt hóa thành hai hồ nước ngọt bên sườn núi - một ở bản Thèn Pả của người Mông, một ở bản của người Lô Lô. Dù mùa khô hạn có khắc nghiệt đến đâu, hai hồ nước ấy vẫn không bao giờ cạn, trở thành nguồn sống bao đời của cư dân vùng cao.

Theo dòng lịch sử, Cột cờ Lũng Cú được cho là có từ thời Lý, khi Thái úy Lý Thường Kiệt tiến quân trấn ải biên thùy và cắm cờ khẳng định chủ quyền nơi đỉnh núi Rồng. Đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung cho lập đồn gác, đặt trống đồng đánh vang mỗi canh để khẳng định đất trời đã có người canh giữ. Năm 1887, thực dân Pháp và nhà Thanh từng mưu toan cắt đất Lũng Cú, nhưng trước sự kiên cường của nhân dân, mảnh đất thiêng ấy vẫn hiên ngang thuộc về non sông Việt Nam.

Năm 1978, Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú) đã cho dựng cột cờ đầu tiên bằng cây sa mộc cao 12m, treo lá cờ 1,2m². Đến năm 2000, chính quyền tỉnh Hà Giang xây dựng cột cờ kiên cố bằng bê tông, và đến năm 2010, công trình được trùng tu hoàn thiện với tổng chiều cao 34,85m, mô phỏng theo Cột cờ Hà Nội.

Trung tá Kim Xuân Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú chia sẻ: Mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi đây đều hiểu rằng, giữ vững chủ quyền biên giới không chỉ bằng súng đạn, mà bằng cả trái tim và tình yêu đất nước. Lá cờ trên đỉnh Lũng Cú là niềm tự hào, là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sỹ Biên phòng không ngừng về trách nhiệm thiêng liêng với từng tấc đất quê hương.

Phần thân cột mang hình bát giác, được gắn 8 mặt trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh, khắc họa các giai đoạn lịch sử dân tộc cùng đời sống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Để chạm tay vào cột cờ, du khách phải vượt qua 839 bậc thang chia làm ba chặng. Trên đỉnh cao, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay giữa bầu trời xanh thẳm, như tuyên ngôn hùng hồn về một Việt Nam độc lập, thống nhất, trường tồn.

Trong dịp về nguồn và đón nhận lá cờ Tổ quốc được treo tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, để trưng bày tại phòng truyền thống của nhà trường, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội không giấu được niềm xúc động khi chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa đất trời biên cương trong tiếng Quốc ca hào hùng vang vọng. “Khoảnh khắc lá cờ được kéo lên, tôi cảm thấy một sự thiêng liêng đến nghẹn ngào. Giữa không gian linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc, mọi lo toan đời thường dường như tan biến, chỉ còn lại niềm tự hào và tình yêu sâu sắc dành cho đất nước Việt Nam thân yêu” - Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hải.

Với những du khách từ phương xa, hành trình đến Lũng Cú không chỉ là cuộc viễn du, còn là hành trình đi tìm bản ngã dân tộc. Chị Nguyễn Thị Mai Hương, du khách đến từ tỉnh Cà Mau chia sẻ: "Tôi đã đi qua gần 2.500km để được đứng ở đây - nơi địa đầu Tổ quốc. Khi ngẩng đầu nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay trên đỉnh núi, tôi thực sự thấy lòng mình lắng lại. Xa xôi là thế mà gần gũi đến lạ thường".

Từ trên Cột cờ có thể ngắm cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc. 
Ảnh: Phương Lan - TTXVN

* Một điểm đến - Một niềm tự hào

Cột cờ Lũng Cú không chỉ là điểm du lịch, còn là chốn thiêng liêng bao người dân Việt mong được một lần đặt chân tới. Dưới chân cột là Nhà lưu niệm - nơi lưu giữ những vật dụng truyền thống của đồng bào bản địa. Không xa là Trạm Biên phòng Lũng Cú - lực lượng "gác cổng" tiền tiêu của Tổ quốc, ngày đêm canh giữ biên cương.

Lá cờ trên đỉnh cột được thay định kỳ 7-10 ngày/lần để đảm bảo luôn tươi mới, bởi gió vùng cực Bắc rất mạnh. Với mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng, đó không đơn thuần là nhiệm vụ, mà là nghi lễ trang nghiêm, gửi gắm lòng yêu nước, niềm tin, khát vọng bảo vệ non sông.

Ngày 18/11/2009, Cột cờ Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia - như một lời khẳng định về giá trị trường tồn cả về lịch sử, văn hóa và tâm linh của biểu tượng thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Cùng với sức hút mạnh mẽ từ vẻ đẹp hùng vĩ và giá trị lịch sử sâu sắc, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày một tăng nhanh qua từng năm. Riêng tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, mỗi ngày đón hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước. Người già, trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên, những đoàn cựu chiến binh hay bạn bè quốc tế… tất cả đều tìm về nơi đây để lắng nghe nhịp đập của hồn thiêng sông núi, để thấy rõ hơn ý nghĩa của hai tiếng "Tổ quốc" giữa miền trời lộng gió./.


Tin liên quan

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Điểm đến hàng đầu cho du lịch mạo hiểm tại Việt Nam

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vừa được Tạp chí du lịch danh tiếng Wanderlust (Anh) đánh giá là điểm đến hàng đầu cho du lịch mạo hiểm tại Việt Nam. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trên bản đồ du lịch thế giới. Wanderlust mô tả, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ thống hang động kỳ vĩ, ẩn mình trong những cánh rừng nguyên sinh và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thu hút đông đảo du khách yêu thích khám phá và phiêu lưu, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Du khách có thể chèo thuyền xuyên hang động, khám phá những dòng nước ngầm hoặc cắm trại qua đêm trong lòng hang sâu thẳm…

Khám phá Công viên đá ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 30km về phía Đông Bắc, Công viên đá nằm bên bờ biển Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Nơi đây đang nổi lên như một điểm đến đầy lôi cuốn, níu chân những du khách mang trong mình tình yêu bất tận với thiên nhiên hoang dã và khát khao khám phá những điều kỳ diệu.

Tin cùng chuyên mục

Áo dài Việt Nam tỏa sáng tại Bắc Kinh

Nhằm thiết thực kỷ niệm 75 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và “Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung”, từ ngày 18-20/4, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đại diện Cộng đồng Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức Chương trình biểu diễn thời trang “Áo Dài Việt Nam – Di Sản Kết Nối”. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Vùng căn cứ cách mạng vươn mình cùng đất nước

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ cách mạng Cái Chanh đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam

Tối 18/4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức lễ tổng hợp luyện lần đầu tiên của tất cả các lực lượng tham gia diễn binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Dự chỉ đạo kiểm tra và động viên các lực lượng diễu binh, diễu hành tham gia tổng hợp luyện có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

HỌC BÁC MỖI NGÀY: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí thức là hiểu biết và những người trí thức phải là tấm gương để xã hội noi theo, có sức ảnh hưởng, dẫn dắt đối với xã hội: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc”.

50 năm Thống nhất đất nước: Venezuela tin tưởng Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên vươn mình

Tròn nửa thế kỷ sau ngày toàn thắng 30/4/1975, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến việc nâng cao đời sống nhân dân. Những thành tựu này không chỉ được phản ánh qua những con số thống kê, qua những thành phố hiện đại, qua các khu công nghiệp nhộn nhịp, mà còn qua ánh mắt tràn đầy hạnh phúc của người dân.

Chuyến thăm hoạch định quan hệ Việt – Trung từ tầm cao chiến lược

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam đã đạt nhiều kết quả thiết thực trên các lĩnh vực. Đây là nhận định của nhà báo Thẩm Thi Vĩ công tác tại Đài truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) thuộc Đài Phát thanh Truyền hình trung ương Trung Quốc (CMG) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh.

50 năm Thống nhất đất nước: Việt Nam còn một chiến thắng 30/4 trong hội nhập và phát triển

Tròn nửa thế kỷ sau ngày toàn thắng, Việt Nam đã giành thêm một chiến thắng 30/4 nữa, đó là những thành tựu đáng tự hào trong hội nhập và phát triển kinh tế, đưa Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế nghèo nàn, hạ tầng lạc hậu, vươn mình mạnh mẽ thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, đồng thời khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đây là nhận định của ông Ignacio Mendoza Pizarro, Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Bolivia thuộc liên minh cầm quyền, trong buổi phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh.