Đột phá theo Nghị quyết 57: Bài học kinh nghiệm từ Singapore
Đánh giá về việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Giáo sư Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng đây là một nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đưa khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng số trở thành lực lượng sản xuất, có sức mạnh quyết định trong việc giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Singapore, Giáo sư Vũ Minh Khương lưu ý khoa học công nghệ tạo ra giá trị rất lớn, không chỉ trực tiếp đối với vấn đề đổi mới sáng tạo, mà còn buộc phải suy nghĩ theo tư duy mới, đặc biệt là vấn đề quản trị quốc gia, nắm bắt xu thế thời đại, kéo theo những đổi thay cả hệ thống quản lý, quản trị và cấu trúc điều hành. Theo ông, việc "yểm trợ" cho khoa học công nghệ phát triển sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho toàn bộ hệ thống trí tuệ của Việt Nam, qua đó mang lại những thành quả rất lớn.

Về các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra cho năm 2030 và 2045, Giáo sư Vũ Minh Khương mong muốn có những mục tiêu cụ thể hơn nữa, để người dân cảm thấy rất thiết thực với họ. Đơn cử như dịch vụ công, cần đặt mục tiêu cụ thể thời gian thực hiện các dịch vụ công giảm đi 1/2 hoặc 2/3, thậm chí trực tuyến. Trong lĩnh vực công nghiệp, cần có lộ trình 2030, 2045 rất cụ thể, đến mức nào, khi nào thì ngang với mức độ của Malaysia hay Thái Lan, hay Trung Quốc, hay Đức, hay Italy. Để đạt được điều này, cần giao cho những người có phẩm chất, tài năng cao để chịu trách nhiệm và cần giám sát kết quả thực hiện từng năm, từng 5 năm một để thấy rõ những bước tiến vượt bậc.

Giáo sư Vũ Minh Khương khẳng định nếu Việt Nam có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho mọi lĩnh vực, sẽ thu được thành quả đáng kể, như có thể trở thành trung tâm y tế tầm cỡ thế giới, hoặc phát triển thiết bị bay không người lái. Đối với ngành thiết bị bay không người lái, đây là ngành mới, có thể mang lại nhiều chục tỷ USD trong thời gian tới, trong khi Việt Nam có thế mạnh nếu phát triển mạnh mẽ công nghệ số và các thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm của Singapore, Giáo sư Vũ Minh Khương cho biết Singapore rất chú trọng vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Một trong những chiến lược thành công của họ là cung cấp ngân sách nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm và phát triển các ý tưởng mới, với điều kiện hai bên cùng chung chi, chứ không phải cho không. Điểm mạnh của Singapore là họ đặt niềm tin vào doanh nghiệp, chọn lọc kỹ lưỡng để tránh những nghi ngờ không cần thiết. Nói cách khác, Singapore rất coi trọng lòng tin vào doanh nghiệp, mạnh dạn, minh bạch giao cho doanh nghiệp, nhà nước chỉ thực hiện hậu kiểm. Điều này cho phép các hiệp hội tự điều hành và chịu trách nhiệm về các quỹ của mình. Quan trọng hơn, Singapore chấp nhận không phải tất cả dự án đều thành công, miễn là một số dự án tạo ra giá trị lớn.

Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, đầu tư vào nguồn lực con người là rất đích đáng và là cũng điểm mạnh đặc biệt của Việt Nam. Để tạo nguồn nhân lực phong phú, cần chú ý mô hình đào tạo của các trường học phải rất linh hoạt và đẳng cấp thế giới. Giáo sư Vũ Minh Khương chia sẻ ông đặc biệt ấn tượng khi Singapore chi rất nhiều tiền để mời người giỏi nhất về giảng dạy, nhưng 1 người dạy cho rất nhiều người, thậm chí là hàng trăm, hàng nghìn người. Thoạt nhìn, thì thấy chi phí cao, khi trả hàng chục nghìn USD/ngày cho 1 người, nhưng thực tế họ dạy cho hàng nghìn người, nên giá trị tạo ra trên đầu người rất lớn, chi phí lại rất nhỏ. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý việc khảo sát nhu cầu, tức là không theo đầu cung mà chú trọng vào đầu cầu. Ví dụ khảo sát các doanh nghiệp để xem nhu cầu về ngành bán dẫn là bao nhiêu. Nếu một công ty cần 300-500 người, thì nhà nước sẽ góp vốn để đào tạo gấp đôi. 1/2 nhân lực dành cho doanh nghiệp, trong khi 1/2 nhân lực còn lại sẽ được tận dụng để thu hút đầu tư mới. Mô hình phong phú như vậy tạo ra sự sống động trong đào tạo nguồn nhân lực mà lại rất thiết thực với thị trường.

Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, nguồn lực trí thức, chuyên gia của Việt Nam ở nước ngoài rất lớn, với trình độ và kỹ năng tốt, có kinh nghiệm trong môi trường thế giới. Tuy nhiên, có một thực trạng là hiện hàng trăm, hàng nghìn người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mới chỉ gặp nhau để thảo luận tại hội thảo, sự kiện và truyền thông, chứ chưa thực sự tìm ra phương thức đóng góp thế nào cho đất nước, vì vậy, cần chú trọng giải bài toán cụ thể. Thay vì tham khảo cách hiến kế chung chung, thì đặt thẳng vấn đề ai sẽ là người giải được bài toán. Nói cách khác, cần phải có yêu cầu cụ thể, dành ngân sách nhất định để hỗ trợ, thực hiện và phải tìm được người đứng đầu giải các bài toán này, có thể trong nước, có thể quốc tế. Muốn vậy, trước hết cần xây dựng cơ sở dữ liệu(database) về các chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn, từ bán dẫn đến sinh học, y tế, AI.../.

Đỗ Vân - Tất Đạt - Ngọc Khương

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bình Phước

Sáng 23/3, tại Quảng trường 23 tháng 3, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975 – 23/3/2025) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trí thức Việt kiều Anh tư vấn chính sách phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần một chiến lược phát triển rõ ràng, đảm bảo các yếu tố nền tảng như môi trường kinh doanh minh bạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thị trường tài chính vững mạnh và thương hiệu quốc tế. Đây là khuyến nghị của Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS) tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Anh của Phó Thủ tướng.

Lan tỏa bản sắc qua Phố ẩm thực văn hóa Thái Lan-Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 22/3, Hội Người Thái gốc Việt tại Nakhon Phanom đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ khai trương Phố ẩm thực văn hóa Thái Lan-Việt Nam tại tỉnh Nakhon Phanom, cách Bangkok hơn 700 km về phía Đông Bắc. Sự kiện được tổ chức trang trọng với sự hiện diện của Tỉnh trưởng Nakhon Phanom Pratya Unphetwarakon, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen Đinh Hoàng Linh cùng hàng trăm kiều bào sinh sống tại Nakhon Phanom và các tỉnh lân cận.

Đừng để mất niềm tin

Sự việc quảng cáo không chính xác về sản phẩm kẹo rau củ Kera của nhóm Quang Linh Vlogs (Phạm Quang Linh), Hằng Du Mục (Nguyễn Thị Thái Hằng) và Hoa hậu Thùy Tiên khi livestream trên mạng xã hội đã “tạo sóng” dư luận trong thời gian gần đây.