Dư luận quan ngại về cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc với ngư dân Việt Nam
Một số nước và tổ chức quốc tế đã bày tỏ quan ngại về cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 29/9/2024.

Trên tài khoản X ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mathew Miller nêu rõ: "Mỹ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của các tàu thuộc lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây bất ổn ở Biển Đông”.

Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các báo cáo liên quan tới vụ việc nghiêm trọng trên, đồng thời nhấn mạnh “cần phải duy trì và tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các chuẩn mực quốc tế khác liên quan đến an toàn tính mạng con người trên biển”. Phái đoàn EU đồng thời “lên án mọi hành động phi pháp, leo thang làm suy yếu các nguyên tắc kể trên của luật pháp quốc tế cũng như đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Ngày 4/10, Philippines lên án việc lực lượng thực thi luật pháp Trung Quốc thực hiện hành vi "bạo lực và bất hợp pháp" nhằm vào ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa ngày 29/9.

Tờ Inquirer dẫn lời của Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Año nhấn mạnh việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nêu rõ Manila “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp (ở Biển Đông) một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”. Tuyên bố nhấn mạnh: "Đây là nghĩa vụ quan trọng để đảm bảo an toàn trên biển cho tàu thuyền và thủy thủ đoàn, đặc biệt là ngư dân”.

Liên quan đến việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 29/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 2/10 nhấn mạnh: Hành động trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển. Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự./.

Đặng Ánh

Tin cùng chuyên mục

Những ký ức lịch sử về Hà Nội ngày khải hoàn

Dưới ánh sáng của lịch sử và niềm tự hào dân tộc, ngày 10/10/1954 đã trở thành dấu ấn không thể phai trong tâm trí người dân Việt Nam, khi Thủ đô được giải phóng sau gần một thế kỷ dưới ách đô hộ.

Âm nhạc và nghệ thuật truyền thống Việt Nam tỏa sáng ở Làng Pháp ngữ

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 đang diễn ra tại Paris (Pháp), một chương trình âm nhạc truyền thống đặc sắc và độc đáo cùng trải nghiệm in tranh Đông Hồ của đoàn Việt Nam tại Làng Pháp ngữ đã thu hút lượng lớn khán giả hâm mộ, giúp hình ảnh Việt Nam tỏa sáng trong Cộng đồng các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sainte Adresse

Trong khuôn khổ chương trình tham gia Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, trưa 6/10, giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Sainte Adresse dự Lễ khánh thành Biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc; danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

“Mái ấm cho đồng bào tôi”

Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát; khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa.