Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu và Cục kinh tế du lịch, nông nghiệp huyện Uiseong (USal), tỉnh Gyeongsangbuk ký kết thỏa thuận hợp tác đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. |
Ảnh: TTXVN phát |
Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Xác định được điều này, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, số lao động của tỉnh sang làm việc ở nước ngoài liên tục tăng theo từng năm.
Đông Hải là huyện miền biển còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua luôn nằm trong nhóm đầu, trở thành điểm sáng của tỉnh Bạc Liêu về xuất khẩu lao động.
Ông Tạ Minh Tuấn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Hải cho biết, năm 2024, huyện đưa gần 170 lao động sang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu ở các thị trường như, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Để có được kết quả này, hằng năm, UBND huyện rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình việc làm, giảm nghèo và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, huyện tổ chức Ngày hội việc làm, trong đó, chú trọng tọa đàm, tư vấn, giới thiệu việc làm, khởi nghiệp cho lao động; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hiệu quả đạt được từ các gia đình có con em đi lao động ở nước ngoài, góp phần thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của người dân. Từ đó, tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu thông tin, năm 2024, tỉnh đưa 628 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 125% so với kế hoạch năm, tăng trên 29% so với cùng kỳ.
Tư vấn cho học sinh, sinh viên, thanh niên về các thị trường lao động nước ngoài. |
Ảnh: TTXVN phát |
Có được kết quả này, Trung tâm chú trọng phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi, đảm bảo đủ điều kiện đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trung tâm phối hợp với các công ty, đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tư vấn cho người lao động nắm rõ thông tin về các thị trường lao động, nhất là thị trường có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cụ thể, năm 2024, Trung tâm phối hợp tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm và lưu động ở các huyện, đặc biệt tổ chức thành công phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh. Các phiên giao dịch thu hút gần 2.500 lao động. Thông qua đó, người lao động có dịp trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, được Trung tâm hỗ trợ giới thiệu nhiều cơ hội việc làm tại nước ngoài.
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, đa số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thu nhập ổn định. Bình quân thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động tại nước ngoài khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng đối với lao động giản đơn; từ 20 - 30 triệu đồng/tháng tại thị trường có thu nhập trung bình; 30 triệu đồng/tháng trở lên ở thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Với nhiều gia đình, thu nhập từ xuất khẩu lao động không chỉ thoát nghèo mà còn có vốn tích lũy, cải thiện cuộc sống. Trường hợp của ông Trần Văn Chí (ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) là ví dụ. Trước đây, gia đình ông Chí thuộc diện khó khăn của xã. Được sự tư vấn và hỗ trợ của chính quyền địa phương, 2 người con lớn của ông quyết định sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng dài hạn. Tiếp đó, cô con gái nhỏ sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng sang Nhật Bản lao động theo diện thực tập sinh. Hiện nay, mỗi tháng, 3 người con của ông Chí gửi về trên 50 triệu đồng. Ông Chí không những xây dựng được căn nhà mới khang trang mà còn có vốn tích lũy để chăn nuôi.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Miếng (ấp Cây Dương, xã Long Điền, huyện Đông Hải) cũng sang lao động tại Nhật Bản. Sau 2 năm làm việc, anh Miếng gửi tiền về cho gia đình xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp. Kinh tế gia đình anh dần ổn định.
Phiên giao dịch việc làm dành cho học sinh, thanh niên tại trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu. |
Ảnh: TTXVN phát |
Bà Lê Thành Giang, Giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, để hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về “Quy định hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ là trên 83 tỷ đồng.
Các đối tượng được hỗ trợ, gồm: Nhóm lao động thuộc đối tượng 1 (hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp) được hỗ trợ không hoàn lại các chi phí: Đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại (lượt đi và về), hỗ trợ tiền khám sức khỏe, làm thị thực (visa). Đồng thời, đối tượng trong nhóm này còn được hỗ trợ vay vốn theo hình thức tín chấp đối với 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động không nằm ở nhóm trên được hỗ trợ 4 triệu đồng/người để tham gia học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại (lượt đi và về), tiền khám sức khỏe, làm thị thực. Đồng thời, đối tượng này còn được vay tín chấp 50% chi phí theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, vay thêm tối đa 30% chi phí theo hợp đồng bằng tài sản thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu lao động, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực trong việc tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh liên kết, tạo nguồn đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của các huyện, thị xã thành lập Tổ tư vấn ngay tại địa bàn dân cư. Đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, tư vấn cho đoàn viên, thanh niên ở cơ sở thông qua buổi sinh hoạt, gặp mặt thường ngày. Thông qua đó, phổ biến thông tin, chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.../.