Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ tương lai của đất nước
Không còn là những tiết học khô khan trên giấy, lịch sử nay được kể bằng hình ảnh, cảm xúc và trải nghiệm sống động, góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong học sinh.
Lớp học trang trí cờ hoa rực rỡ chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Những ngày tháng 4 lịch sử, học sinh tại Đồng Nai đang có khoảng thời gian quý giá để cảm nhận về lịch sử dân tộc nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Không còn là những tiết học khô khan trên giấy, lịch sử nay được kể bằng hình ảnh, cảm xúc và trải nghiệm sống động, từ sân khấu hóa bài học đến giao lưu cùng các nhân vật, góp phần thắp sáng ngọn lửa yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong học sinh.

Lịch sử sống động từ thực tế

Tại Trường mầm non Á Châu (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa), để các em nhỏ được hiểu rõ về lịch sử, giáo viên đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm tạo sự tò mò, hứng thú của học sinh về lịch sử. Thay vì kể những câu chuyện một cách khô cứng, nhà trường đã mời các chú bộ đội đang công tác tại các đơn vị trong tỉnh về nói chuyện, giao lưu và kể những câu chuyện lịch sử một cách sống động. Từ đó tạo hứng thú cho các em nhỏ, giúp trẻ tiếp cận lịch sử một cách sinh động, gần gũi nhất.

Cô Trương Thị Thúy, giáo viên Trường mầm non Á Châu cho biết, ngoài mời các chú bộ đội về giao lưu cùng trẻ nhỏ, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa như, cho các em hóa thân thành những chú bộ đội đi diễu hành ở công viên, tiếp cận mô hình xe tăng, dinh Độc Lập, trải nghiệm bữa ăn của bộ đội ngày xưa (khoai lang, cơm nắm, muối vừng)…

“Chúng tôi mong muốn ngày càng vun đắp tình yêu nước đối với các em nhỏ. Đặc biệt, những ngày tháng 4, thường xuyên xuất hiện hình ảnh những chiếc trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay trên bầu trời Biên Hòa. Đây là những hình ảnh quý giá để chúng tôi có thể dạy cho các em nhỏ hiểu hơn về giá trị của hòa bình”, cô Thúy chia sẻ.

Để học sinh hiểu hơn về lịch sử, nhất là chiến thắng 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều giáo viên đã sử dụng phương pháp sân khấu hóa, cho học sinh hóa thân thành những nhân vật anh hùng, giúp các em cảm nhận sâu sắc nhất ý nghĩa lịch sử của chiến thắng, giúp các em ghi nhớ nội dung bài học tốt nhất.

Em Đồng Huy Dũng, học sinh lớp 9/6, Trường Trung học cơ sở An Bình (thành phố Biên Hòa) cho biết, trong bài học về chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh ngày 21/4/1975, Dũng được hóa thân làm một chiến sĩ thuộc Quân đoàn 4 cùng đồng đội chiến đấu, từng bước đẩy lùi quân địch để Chiến dịch Xuân Lộc toàn thắng. Thông qua bài học, Dũng hiểu sâu sắc về khó khăn, gian khổ mà ông cha ta đã trải qua, từ đó, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng biết ơn đối với những anh hùng đã anh dũng hy sinh để thế hệ trẻ được sống trong hòa bình.

Cô Bùi Thị Ngọc Yến, giáo viên bộ môn Lịch sử - Địa lý, Trường Trung học cơ sở An Bình cho biết, để buổi học lịch sử thêm phần sinh động, cô đã có nhiều phương pháp đổi mới trong dạy và học. Ngoài các buổi dạy học thông thường, cô Yến thường xuyên tổ chức hoạt động nhóm, cho học sinh đóng vai, tham gia kể chuyện lịch sử. Đặc biệt, dịp tháng 4 với nhiều sự kiện lịch sử, cô hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị pano, áp phích tuyên truyền... “Những hoạt động này mang lại hiệu quả rất lớn, học sinh tích cực tham gia và các em cũng dễ dàng ghi nhớ những dấu mốc quan trọng, hiểu rõ hơn về lịch sử của nước nhà, giáo dục học sinh về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giúp các em phấn đấu và hoàn thiện bản thân”, cô Yến cho biết.

Học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai treo cờ Tổ quốc chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Vun đắp tình yêu nước

Tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ (thành phố Biên Hòa), những ngày này, các khoảng sân, lối đi rực rỡ cờ hoa. Với tinh thần tự giác và sự háo hức, học sinh cùng nhau treo hàng chục lá cờ Tổ quốc dọc sân trường, trước và trong lớp học. Mỗi lá cờ không chỉ là biểu tượng thiêng liêng của non sông mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ truyền thống, lòng biết ơn với những người đã ngã xuống để đất nước có được hòa bình.

Em Phạm Nguyễn Ngọc Vinh, học sinh lớp 9/1, Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ tự hào cho biết, những hành động này tuy nhỏ nhưng là niềm tự hào của thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc. Tham gia hoạt động này, Vinh muốn thể hiện sự biết ơn với những người anh hùng đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc.

“Con rất xúc động mỗi khi tưởng nhớ về các sự kiện lịch sử, thời oanh liệt mà ông cha ta đã trải qua. Được đi dưới bóng cờ hòa bình chúng con rất biết ơn, tình yêu nước ngày càng lớn hơn và tự hứa bản thân sẽ nỗ lực trong học tập để sau này trở thành người có ích”, Vinh nói.

Theo cô Đào Thị Bích Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, hoạt động trang trí trường, lớp được học sinh hào hứng tham gia, giúp các em hiểu rõ hơn về độc lập tự do. Đối với môn Lịch sử, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống trong các tiết dạy, sinh hoạt chuyên đề. Giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền cảm hứng cho học sinh về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhiều em ít có cơ hội tiếp cận trực tiếp với lịch sử, nhà trường xác định việc giáo dục truyền thống càng cần được quan tâm hơn. Chúng tôi mong muốn, thông qua các hoạt động thực tiễn, học sinh có thể tự tìm hiểu, cảm nhận và trân trọng những giá trị lịch sử to lớn mà cha ông đã dày công gìn giữ bằng biết bao hy sinh xương máu”, cô Nguyệt cho biết.

Bà Trương Thị Kim Huệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho biết, công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc luôn được ngành quan tâm chú trọng. Tháng 4 năm nay là dịp đặc biệt để ngành đẩy mạnh công tác này trong các cơ sở giáo dục. Nhiều hoạt động được triển khai nhằm vun đắp tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho học sinh.

Trong đó, các trường học và đơn vị giáo dục tổ chức tuyên truyền sâu rộng thông qua sinh hoạt dưới cờ, thông tin trên trang mạng xã hội, trang web của các trường, kết hợp tuyên truyền trực quan, trực tiếp. Các đơn vị đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, về nguồn, hoạt động trải nghiệm để thu hút sự tham gia của cán bộ, giáo viên và học sinh. Các cơ sở giáo dục trang trí khuôn viên, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về sự kiện lịch sử; thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng, viếng nghĩa trang liệt sĩ…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho biết, thông qua các hoạt động ý nghĩa, học sinh thể hiện sự quan tâm rất lớn với những sự kiện lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 1.700 học sinh Đồng Nai xung phong ra ga Biên Hòa đón lực lượng tham gia diễu binh từ miền Bắc vào miền Nam thực hiện nhiệm vụ. Đây chính là dịp đặc biệt để vun đắp lòng yêu nước, giúp các em biết quý trọng những hy sinh to lớn của các bậc cha anh, giá trị của hòa bình để nỗ lực phấn đấu học tập./.


Tin liên quan

Di tích Trung đoàn Tây Tiến – Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là một điểm đoàn quân Tây Tiến tập kết rồi tỏa đi các mặt trận Tây Bắc, biên giới Việt - Lào. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, huyện Mộc Châu đã trùng tu, tôn tạo khu di tích hoành tráng, trở thành địa chỉ đỏ để thế lớp lớp các hệ trẻ tìm về cội nguồn, tri ân sự hy sinh của những người lính Trung đoàn 52 Tây Tiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

"Càng khó khăn càng phải thi đua"

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những khó khăn, thách thức và thời cơ, vận hội đan xen, chúng ta phải cùng nhau đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Càng khó khăn càng phải thi đua; càng thi đua, càng mau thắng lợi”.

Tin cùng chuyên mục

Học sinh Việt Nam giành ngôi Á quân tại Giải đấu Robot lớn nhất thế giới

Tại vòng chung kết cuộc thi The FIRST Tech Challenge World Championship 2025, diễn ra từ ngày 16 - 19/4/2025 tại Mỹ, liên minh 3 đội gồm: đội tuyển 24751 GreenAms Robotics Team đến từ trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, 18030 ViperBots Leviathan đến từ Mỹ và 20781 Team Eureka đến từ Ấn Độ đã xuất sắc giành ngôi Á quân thế giới và Vô địch bảng Edison - bảng đấu được đánh giá khốc liệt nhất trong số 4 bảng của giải. The FIRST Tech Challenge World Championship (FTC) là Giải đấu Robot lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học, do tổ chức FIRST (Mỹ) sáng lập. FTC 2025 có 256 đội tuyển tham dự, chia làm 4 bảng đầu lớn Edison Division, Franklin Division, Jemison và Ochoa.

Sinh viên Việt Nam tại Australia đoàn kết, sáng tạo, khát vọng xây dựng kỷ nguyên mới

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, chiều 25/4, tại trường Đại học New South Wales ở thành phố Sydney (Australia), Hội Sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales (UAVS-NSW) đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales lần thứ V nhiệm kỳ 2025-2027 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Kpă Puôn – “Lá chắn” bình yên của buôn Chư Jut

Trên vùng chảo lửa Krông Pa, tỉnh Gia Lai, có một người Tổ trưởng lặng lẽ cống hiến hơn 14 năm qua để giữ gìn sự bình yên cho buôn làng. Đó là anh Kpă Puôn – Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh trật tự phụ trách buôn Chư Jut, xã Chư Gu. Một con người tận tụy, kiên định và giàu trách nhiệm với cộng đồng.

50 năm Thống nhất đất nước: Thế hệ trẻ tiếp lửa truyền thống tại nước Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, được sự nhất trí và chỉ đạo của Đảng ủy, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, cuối tuần qua, Ban Cán sự Đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh kết hợp chiếu phim điện ảnh Việt Nam "Mùi cỏ cháy” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Hội sách Mầm 2025: Hành trình chồi non tri thức Việt tại Nga

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 20/4, tại Moskva, CLB Thiện nguyện Vòng Tay Việt Nga trực thuộc Hội Sinh viên Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức thành công Hội sách Mầm 2025 với chủ đề "Chạm đất - Đón nắng - Vươn cao", thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên đang sinh sống và học tập tại Nga. Chương trình nhằm hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2014-21/4/2025).