Hàng Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên thị trường Anh
Với sự hiện diện ngày càng tăng do được người tiêu dùng ưa chuộng, hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại Vương quốc Anh khi xuất khẩu sang thị trường khó tính này liên tục duy trì tăng trưởng từ năm 2021. Nhận định này được bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh, đưa ra đã phản ánh hàng hóa Việt Nam đang ngày càng tạo nên dấu ấn riêng tại thị trường châu Âu này.

Theo phóng viên TTXVN tại London, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Anh đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 18,1% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam thặng dư hơn 6,1 tỷ USD, tăng 21,4%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 6,9 tỷ USD, cao hơn 19,5% so với cùng kỳ.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng khá, tiêu biểu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với gần 757 triệu USD, tăng 118,6%; rau quả, 33,8 triệu USD, tăng 50,7%; hạt tiêu, 29,7 triệu USD, tăng gần 46%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, 49 triệu USD, tăng gần 35%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, 1,24 tỷ USD, tăng 34,5%; sắt thép các loại, hơn 214 triệu USD, tăng 34,4%; cà phê, 121 triệu USD, tăng gần 34%; sản phẩm từ cao su, 29 triệu USD, tăng 33%; giấy và các sản phẩm từ giấy, 17,3 triệu USD, tăng 22,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ, 201 triệu USD, tăng gần 16%; dệt may, hơn 692 triệu USD, tăng 12,5%...

Đáng chú ý, nhiều hàng hóa Made in Vietnam từ quần áo, giày dép, dụng cụ, thiết bị cho đến thực phẩm, rau quả đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn, uy tín lâu năm của Anh. Năm nay, có thể dễ dàng tìm thấy quần áo thời trang Hè Thu Việt Nam tại Mark & Spencer (M&S), chuỗi cửa hàng có thị phần lớn nhất về quần áo tại Anh, cũng như ở các chuỗi cửa hàng quần áo khác như UNIQLO, NEXT, PRIMAK. Nông sản thực phẩm Việt Nam, trong đó có hải sản, mì, phở khô và nhiều loại trái cây tươi, đã tìm được chỗ đứng tại các chuỗi siêu thị lớn nhất Anh như Tesco, Sainsbury’s hay các siêu thị thực phẩm cao cấp như Whole Food, M&S.

Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam còn được bán nhiều và rất phong phú tại các siêu thị người Việt và siêu thị chuyên kinh doanh hàng châu Á như chuỗi siêu thị Longdan, Eutek group… nơi người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như gạo, trà, cà phê, bánh kẹo đặc sản vùng miền, bánh đa nem, bánh tráng, mì, phở, bún khô cũng như các loại rau xanh, rau thơm, trái cây tươi, đồ uống…

Bà Hoàng Lê Hằng cho biết sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên các kệ siêu thị Anh là tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và tìm được chỗ đứng trên thị trường Anh, vốn đang tìm kiếm đa dạng nguồn cung sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit).

Theo bà Hằng, xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là nông sản, duy trì mức tăng trưởng tốt trong 3 năm qua một phần nhờ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA), theo đó xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.

Sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ ngành và các hiệp hội nghề như Hiệp hội Rau quả Việt Nam, VICOFA, VASEP, HAWA, trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hội thảo chuyên đề về thị trường Anh, hướng dẫn, kết nối doanh nghiệp hai nước… cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang Anh.

Trong năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cập nhật chính sách thương mại sở tại tới các cơ quan, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động thương mại với Anh. Thương vụ cũng tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh nhằm tìm kiếm, giới thiệu đối tác thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Anh, và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường và kết nối với khách hàng tiềm năng.

Đánh giá về triển vọng thương mại Việt Nam-Anh trong thời gian tới, bà Hoàng Lê Hằng nhận định thương mại song phương có tiềm năng tăng trưởng vững được thúc đẩy nhờ UKVFTA, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng ở cả hai quốc gia. Đặc biệt, việc Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Anh, một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và là một thị trường lớn với nền kinh tế phát triển.

Khi gia nhập CPTPP, Anh cam kết mở cửa thị trường mới (ngoài cam kết trong UKVFTA) đối với một số sản phẩm Việt Nam, trong đó có hạn ngạch thuế quan đối với gạo thơm, cá ngừ, mật ong, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu những sản phẩm này sang Anh.

Bà Hoàng Lê Hằng cho rằng khi Anh và các quốc gia có nền kinh tế phát triển gia nhập CPTPP, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các tiêu chuẩn cao về thương mại tự do và hợp tác kinh tế, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu trọng điểm, cũng như thúc đẩy khả năng sản xuất và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Việc Anh gia nhập CPTPP cũng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực tại Anh bởi người tiêu dùng và các nhà phân phối sở tại sẽ quan tâm hơn tới sản phẩm của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Bà Hoàng Lê Hằng nhận định với tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Anh sẽ quan tâm thúc đẩy đầu tư vào Việt nam, một thành viên CPTTP. Là một trong những thị trường tài chính lớn và phát triển nhất thế giới quy tụ số lượng lớn các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác, Anh có tiềm năng cung cấp nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Lê Hằng, xuất khẩu hàng hóa sang Anh trong năm tới vẫn còn nhiều thách thức khi nhu cầu thị trường Anh giảm do kinh tế suy thoái, lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm. Biến động địa chính trị, xung đột Biển Đỏ khiến cước vận tải đường biển tăng và thời gian vận chuyển kéo dài cũng gây khó khăn cho xuất khẩu sang Anh.

Việc tuân thủ các quy định của Anh và châu Âu về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương, da.. Yêu cầu về chứng chỉ xanh và thương mại công bằng; xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ và cho người ăn kiêng,… là những yếu tố khiến quy trình sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản mang tính chuyên biệt cao và phức tạp hơn, đồng nghĩa doanh nghiệp phải tăng đầu tư, kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng.

Việc Anh sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cũng sẽ tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành phát thải carbon như gốm sứ, nhôm, sắt thép, xi măng, phân bón,… nếu không chuẩn bị lộ trình để thích ứng.

Sau khi gia nhập CPTPP, Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các nước thành viên CPTPP khác, trong đó có một số nước có các sản phẩm cùng loại với sản phẩm Việt Nam, vì vậy gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường Anh đối với sản phẩm Việt Nam.

Theo bà Hoàng Lê Hằng, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Anh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, trong đó đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại Anh. Bà nhấn mạnh việc CPTPP yêu cầu các thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, bảo vệ môi trường và quản lý doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn ổn định, cũng như phải tổ chức tốt chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối và đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP, xu thế toàn cầu về thương mại xanh và công bằng để duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Bà Hoàng Lê Hằng cho rằng mặc dù Anh gia nhập CPTPP mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường và thu hút đầu tư, Việt Nam cần chuẩn bị đối phó với các thách thức về cạnh tranh, yêu cầu tiêu chuẩn cao và cải cách các ngành thương mại, dịch vụ. Bà tin rằng nếu có chiến lược hợp lý và thực hiện cải cách triệt để, Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội này để phát triển bền vững hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu./.

Minh Hợp

Tin cùng chuyên mục

Ngày 22/12/2024: Khánh thành Khu tái định cư thôn Làng Nủ, thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng (tỉnh Lào Cai)

Sáng 22/12/2024, tại Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà - nơi vào những ngày đầu tháng 9/2024 xảy ra thảm hoạ lũ quét, sạt lở đất do bão số 3 (Yagi) gây ra làm hàng chục người dân thiệt mạng và mất tích; hàng chục ngôi nhà vùi lấp, cuốn trôi. Lễ khánh thành được tổ chức trực tiếp tại Khu tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ ở huyện Bảo Yên và trực tuyến tới các khu tái thiết ở thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng ở huyện Bắc Hà.  

Sáng 22/12/2024: Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành

Sáng 22/12/2024, tại ga trung tâm Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Thành - Suối Tiên). Công trình này đánh dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng và hiệu quả của người dân; góp phần giảm thiểu áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường.  

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)

Sáng 20/12/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và có Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với bề dày truyền thống, công lao, đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc của Quân đội ta trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.  

Khánh thành khu tái thiết Làng Nủ: Sự sống nảy sinh từ cái chết

Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Lễ khánh thành được tổ chức trực tiếp tại Khu tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ ở huyện Bảo Yên và trực tuyến tới các khu tái thiết ở thôn Nậm Tông và thôn Kho Vàng ở huyện Bắc Hà.

TP.HCM khai trương 17 tuyến xe buýt kết nối Metro số 1

Ngày 20/12, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã khai trương, đưa vào hoạt động 17 tuyến xe buýt điện kết nối Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Các tuyến buýt này sẽ giúp hành khách có thêm sự lựa chọn đi lại, đồng thời tiếp cận tuyến đường sắt đô thị dễ dàng và thuận lợi hơn khi Metro số 1 chính thức được khai thác thương mại vào ngày 22/12 tới đây.

Nỗ lực hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Sau phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải và chuyến thị sát tại dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh có dự án đi qua cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch triển khai, tập trung tháo gỡ khó khăn. Đây là yêu cầu cấp bách của Thủ tướng, vì thời gian hoàn thành không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo tiến độ đề ra. Gần 2 tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng, đến thời điểm này, các địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện mệnh lệnh này như thế nào để đưa công trình dự án về đích đúng hẹn?

Ấn tượng Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 19/12/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024. Triển lãm là một hoạt động trọng điểm, tạo điểm nhấn mang ý nghĩa, tầm vóc quốc tế. Lễ khai mạc được tổ chức ấn tượng với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; đặc biệt là hoạt động bay chào mừng của Không quân Việt Nam, trình diễn võ thuật của lực lượng Đặc công và trình diễn các kỹ năng chuyên nghiệp của Quân khuyển Biên phòng… Tham gia triển lãm, Việt Nam có sự góp mặt, trình diện của 69 chủng loại khí tài, vũ khí của 77 đơn vị, là sản phẩm của tự chủ công nghiệp quốc phòng như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng... Triển lãm diễn ra từ ngày 19 đến 22/12/2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2024: Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc

Tháng 12 hằng năm được chọn là “Tháng hành động quốc gia về dân số”. Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 có chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”. Năm 2024, công tác dân số bước sang năm thứ 5 thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dân số và phát triển được đẩy mạnh. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiệm vụ của công tác dân số thời gian tới là tiếp tục nâng cao chất lượng dân số thông qua: Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, để trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh; thúc đẩy bình đẳng giới; nâng cao nhận thức cho người cao tuổi tích cực tham gia khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, quản lý, điều trị bệnh kịp thời, giúp tăng số năm sống khỏe mạnh, chất lượng sống, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số…

Những nhiệm vụ quan trọng của thanh niên Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 18/12/2024, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội, với 10 nhóm chỉ tiêu, 1 phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, 1 chương trình “Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh Việt Nam vững mạnh” và 2 đề án trọng tâm là: Đề án “Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024-2029” và Đề án “Đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân và lao động trẻ giai đoạn 2024-2029”. Khẩu hiệu hành động của nhiệm kỳ 2024-2029 là: “Thanh niên Việt Nam: Yêu nước - Khát vọng - Đoàn kết - Tiên phong - Sáng tạo - Tự tin bước vào kỷ nguyên mới”.