Học và làm theo Bác: Người giáo viên Ê Đê tâm sáng, yêu nghề
Cô H Pa Ra Ayŭn cùng nhà trường và Tổng phụ trách Đội tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa, sân chơi lành mạnh giúp học sinh được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống và phát triển toàn diện theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với tâm niệm “học Bác từ những việc nhỏ nhất”, cô giáo trẻ H Pa Ra Ayŭn – người con của buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, suốt nhiều năm qua luôn miệt mài cống hiến trong hành trình "gieo chữ" nơi vùng sâu, vùng xa. "Gieo con chữ" cho học sinh tại các địa bàn khó khăn, cô không ngừng nỗ lực để mang đến môi trường học tập nhân văn, chất lượng cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

*"Gieo" chữ ở vùng đất khó

Cô Pa Ra Ayŭn trong giờ lên lớp. 
Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Đại học Tây Nguyên, cô giáo trẻ H Pa Ra Ayŭn (dân tộc Ê Đê, sinh năm 1994) bắt đầu công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk).

Từ tháng 9/2020 đến tháng 10/2024, cô chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn – một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, lớp học của cô có đến 10/34 học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghè. Đa phần các em sống trong điều kiện thiếu thốn, bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con lại cho ông bà chăm sóc. Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, việc chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến trở thành một thách thức lớn. Cô H Pa Ra Ayŭn đã không ngần ngại đến từng nhà học sinh để khảo sát điều kiện học tập, từ đó vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thiết bị học tập. Nhờ những nỗ lực ấy, cô đã kêu gọi thành công hai chiếc điện thoại thông minh, giúp đảm bảo 100% học sinh trong lớp được tham gia học trực tuyến.

"Chỉ khi trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh của các em, tôi mới cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của mình. Tôi luôn nghĩ rằng, học tập và làm theo Bác là mang lại điều tốt đẹp nhất cho học trò của mình, dù chỉ là hành động nhỏ nhất", cô chia sẻ.

Tháng 11/2024, cô H Pa Ra Ayŭn chuyển công tác về Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Tại ngôi trường này, cô tiếp tục sứ mệnh giảng dạy các môn học được nhà trường phân công. Với đặc thù trường có hơn 94% học sinh là người dân tộc thiểu số, 17% học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, cô giáo người Ê Đê càng thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của các em nhỏ nơi đây.

Cô H Pa Ra Ayŭn hướng dẫn học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Cư Dliê Mnông (Cư M’gar, Đắk Lắk) làm bài. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

“Là người bản địa, tôi hiểu rõ những rào cản trong giao tiếp, học tập của học sinh người dân tộc thiểu số. Các em học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, điều đó khiến quá trình tiếp thu kiến thức gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tôi luôn nỗ lực mang đến sự gần gũi, yêu thương để các em có thể tự tin chia sẻ, mạnh dạn học tập,” cô tâm sự.

Trong quá trình giảng dạy, cô luôn chú trọng tạo không khí lớp học thân thiện, tích cực, khơi dậy sự chủ động, sáng tạo của học sinh. Cô áp dụng phương pháp “dạy học đảo ngược”, linh hoạt phân hóa đối tượng học sinh để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, cô cùng nhà trường và Tổng phụ trách Đội tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa, sân chơi lành mạnh giúp học sinh được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống và phát triển toàn diện theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy trò biết cách sống tử tế, biết yêu thương, chia sẻ. Với tôi, sự tiến bộ của học sinh là phần thưởng lớn nhất, là minh chứng rõ nét cho những cố gắng của cả thầy và trò,” cô H Pa Ra Ayŭn bày tỏ.

*Tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác

Cô H Pa Ra Ayŭn áp dụng phương pháp “dạy học đảo ngược”, linh hoạt phân hóa đối tượng học sinh để có hình thức hỗ trợ phù hợp. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Luôn tâm niệm học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cô H Pa Ra Ayŭn tự rèn luyện bản thân qua từng hành động cụ thể.

“Tôi học ở Bác sự kiên trì, nhẫn nại, tinh thần vượt khó và tấm lòng yêu thương con người. Đó là ánh sáng soi đường cho tôi trên hành trình làm nghề,” cô nói.

Không chỉ tích cực trong chuyên môn, cô còn là người tiên phong trong các hoạt động phong trào của nhà trường. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, cô cùng nhà trường tổ chức chuyên đề kể chuyện, hát những bài hát về Bác Hồ, giáo dục học sinh về đạo đức, kỹ năng sống và khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các em.

Sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy đã nhận được sự ghi nhận của đồng nghiệp và cấp trên. Thầy Nguyễn Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nhận xét, cô H Pa Ra Ayŭn là giáo viên trẻ, năng động, trách nhiệm và rất tâm huyết. Dù mới chuyển về công tác chưa lâu nhưng cô đã nhanh chóng hòa nhập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt thành tích cao trong chuyên môn cấp huyện, tỉnh.

Theo ông Nguyễn Tự Do, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar, cô H Pa Ra Ayŭn là một trong những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác. Cô đã được tỉnh khen thưởng vì những đóng góp tích cực, đặc biệt trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vùng khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Từ một cô gái Ê Đê giàu nghị lực, H Pa Ra Ayŭn đã trở thành ngọn lửa nhỏ âm thầm lan tỏa tinh thần học tập và làm theo Bác tại những vùng đất khó khăn của Tây Nguyên. Với tình yêu nghề, yêu trò và trách nhiệm của một người thầy, cô đang từng ngày thắp sáng ước mơ đến trường cho những mầm xanh nơi buôn làng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác

Ngày 16/5, “Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2025 với chủ đề “Thầy thuốc trẻ xung kích, vươn mình trong kỷ nguyên số” đã diễn ra tại xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre).

Cả 4 học sinh Việt Nam đều giành huy chương tại Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev

Cả 4 học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev lần thứ 59 đều xuất sắc giành huy chương, gồm 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev lần thứ 59 diễn ra từ ngày 5-12/5/2025 tại thành phố Belo Horizonte, Brazil. là một trong những kỳ thi học thuật danh giá và thách thức nhất trong lĩnh vực Hóa học dành cho học sinh Trung học Phổ thông, thường được mệnh danh là “Kỳ thi Hóa học khó nhất hành tinh”.

Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII năm 2025

Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 2025 diễn ra từ ngày 16 - 18/5/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội diễn ra trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025). Tham dự đại hội có 444 đại biểu là những gương mặt thanh niên xuất sắc trên các lĩnh vực: Cán bộ Đoàn, Hội, Đội; thanh niên nông thôn, đô thị; thanh niên công chức, viên chức; thanh niên công nhân; học sinh, sinh viên; nhà khoa học trẻ, trí thức trẻ; văn nghệ sĩ trẻ, vận động viên trẻ; chiến sĩ, sĩ quan trẻ; doanh nhân trẻ... Điểm nhấn của đại hội là Lễ Tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII, năm 2025, diễn ra chiều ngày 17/5/2025. Tại buổi lễ, 80 gương mặt tiêu biểu nhất đại diện cho các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc và các lĩnh vực sẽ được tôn vinh và nhận chứng nhận Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.

Thiếu niên dân tộc Tày tiêu biểu

Em Nguyễn Thu Hà là Chỉ huy Đội tiêu biểu cấp tỉnh, là Liên đội trưởng gương mẫu, tiên phong, có thành tích xuất sắc trong học tập và tích cực tham gia các hoạt động Đội của Liên đội cũng như Hội đồng Đội cấp trên.