Hội nghị Trung ương 12: Kỳ vọng vào tương lai phát triển của đất nước
Nhiều chuyên gia, trí thức và nhân dân Thủ đô cho rằng, những định hướng mà Tổng Bí thư nêu ra đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của toàn dân về một hành trình phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ niềm tin với Hội nghị Trung ương.

Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu bế mạc, tổng kết những kết quả quan trọng và xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp lớn cần khẩn trương triển khai trong thời gian tới. Tổng Bí thư nhấn mạnh một số nội dung có ý nghĩa chiến lược, định hướng lâu dài, trực tiếp phục vụ công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng và thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Đánh giá về nội dung bài phát biểu, nhiều chuyên gia, trí thức và nhân dân Thủ đô cho rằng, những định hướng mà Tổng Bí thư nêu ra đã phần nào đáp ứng kỳ vọng của toàn dân về một hành trình phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.

* Đáp ứng mong mỏi của nhân dân

Theo dõi sát nội dung Hội nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên bế mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) bày tỏ đồng tình với những vấn đề được nêu trong bài phát biểu, trong đó có các nội dung về quản lý và sử dụng đất đai; tháo gỡ chồng chéo trong quy hoạch; đảm bảo nguồn lực và tăng cường đầu tư giáo dục.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, đây là những vấn đề cốt lõi, phù hợp với mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân cả nước.

Liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An khẳng định tính đúng đắn trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với lĩnh vực đất đai, trong đó tập trung nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu, quy hoạch, sử dụng đất, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ mong muốn Tổng Bí thư sẽ chỉ đạo quyết liệt để đội ngũ thực thi vào cuộc một cách thực chất, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và phù hợp mục tiêu phát triển đất nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, với việc Luật Đất đai 2024 ngày càng hiện diện trong đời sống, các nghị định, thông tư dưới Luật sẽ được triển khai cụ thể, minh bạch, thông suốt ở tất cả các cấp.

Về vấn đề quy hoạch tổng thể cho quốc gia, cho ngành, vùng, địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, thời gian gần đây, các thông tin về quy hoạch đã rõ ràng hơn, bước đầu hạn chế tình trạng “mập mờ” trước kia. Điều này có lợi ích rất nhiều trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với định hướng tổ chức không gian kinh tế-xã hội sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Đề cập đến hai quy hoạch lớn của Hà Nội hiện nay là: Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An khẳng định, nếu làm tốt, hai quy hoạch này sẽ định hướng phát triển toàn diện, bền vững cho Thủ đô trong giai đoạn mới.

“Trên tất cả, mọi vấn đề Hội nghị đặt ra cần được triển khai quyết liệt, thực chất và phải được giám sát chặt chẽ, minh bạch. Có như vậy thì mới phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ.

* Kỳ vọng vào hành động thực chất

Đối với vấn đề giáo dục được nêu trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, bà Vũ Thị Xuân, cán bộ lão thành, tổ dân phố số 5 (phường Đông Ngạc) cho biết, bà rất vui mừng khi Tổng Bí thư nhắc đến việc đảm bảo nguồn lực cho đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Theo bà Vũ Thị Xuân, hiện nay chính quyền địa phương hai cấp đã đi vào hoạt động ổn định với trách nhiệm và nhiệm vụ rất lớn; do đó, bên cạnh các vấn đề phát triển kinh tế, việc đầu tư cho giáo dục cũng cần được coi trọng. Chính quyền trong kỷ nguyên mới cần nắm rõ hơn nữa các thông tin về giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề cơ sở vật chất trường lớp, đặc thù của địa phương, hơn nữa là đời sống của đội ngũ giáo viên.

“Giáo dục và đào tạo chính là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Cả xã hội luôn mong chờ sự đổi mới để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu, là nền tảng để phát triển đất nước bền vững, để các thế hệ tương lai không chỉ có kiến thức chuyên môn, mà còn có cả kiến thức xã hội, kiến thức trở thành công dân toàn cầu”, bà Vũ Thị Xuân nêu quan điểm.

Với 6 nhiệm vụ trọng tâm Tổng Bí thư đề ra ngay sau khi Hội nghị bế mạc, bà Vũ Thị Xuân cho rằng, đây là những nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đất nước và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc tổ chức quán triệt sâu rộng các kết luận của Hội nghị Trung ương 12 sẽ làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân hiểu đúng, thực hiện đúng, đồng thuận cao, góp phần xây dựng đất nước phát triển như mong mỏi của nhân dân.

“Đất nước đang ngày càng đổi mới, tôi mong rằng, những nhiệm vụ Hội nghị đặt ra sẽ được triển khai và thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất. Có như vậy, mục tiêu phát triển đất nước và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân mới khả thi. Tôi cho rằng đây cũng là mong mỏi của người dân cả nước trong giai đoạn hiện nay”, bà Vũ Thị Xuân bày tỏ./.


Tin liên quan

Những nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 18/7/2025, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc. Tại Hội nghị lần này, Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến vào ba nhóm nội dung lớn. Đó là Nhóm nội dung về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; Nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước trong thời gian tới; Nhóm nội dung về công tác cán bộ. Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 19/7/2025.

Tin cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy: Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến

Từ trạng thái “Vừa chạy vừa xếp hàng” sang “Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến”, cả hệ thống chính trị và hệ thống hành chính đều đang vận hành theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành khoa học, hạn chế trung gian, xóa bỏ trùng lắp chức năng, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Sáng 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố, trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều động đồng chí Trần Đức Thắng, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng thanh tra thường trực Thanh tra Chính phủ về công tác tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Sức sống mới từ chính quyền vì nhân dân phục vụ

Địa phương phát động đợt thi đua “Vì nhân dân phục vụ” nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không để hồ sơ tồn đọng, gây ảnh hưởng đến tổ chức, người dân.