Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trình Quốc hội thông gồm 3 nhóm. Nhóm 1, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Nhóm 2, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Nhóm 3, các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua.
Trong khi đó, dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ liên quan tới đánh giá, tổng kết khoảng 10 Đề án, Chiến lược, Chương trình và đề xuất sửa đổi, bổ sung để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét; các bộ, ngành và các địa phương tổ chức triển khai hơn 30 nhiệm vụ thường xuyên.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các cơ quan trong việc xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68, cũng như trong xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống; do đó, phải trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra. Với thời gian ngắn, yêu cầu cao, nội dung phong phú, cần chọn cách tiếp cận phù hợp, khả thi.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, tập trung vào những nội dung mà doanh nghiệp, người dân đang mong đợi nhất, những nội dung cần thiết, cấp bách, những nội dung có thể làm ngay được mà chưa cần nhiều nguồn lực, những nội dung mang tính chất “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa”...
Khẩn trương đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống |