Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đây là Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua. Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương cả nước.
Kỳ họp lịch sử, quyết định những vấn đề lịch sử |
Để đảm bảo Kỳ họp diễn ra thành công, đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội yêu cầu Tổ trưởng Tổ đảng, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội phụ trách quán triệt sâu sắc; bám sát những định hướng, chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Hội nghị Trung ương 11 để xem xét, cho ý kiến từng dự án luật, nghị quyết. Đặc biệt là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66 ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các công đoạn phải tiến hành rất khẩn trương nhưng cũng phải rất thận trọng, kỹ lưỡng.
Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp lịch sử quyết định những vấn đề lịch sử của đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phải thực sự đổi mới tư duy và phương pháp làm việc; dành thời gian chủ động nghiên cứu tài liệu, sâu sát vấn đề. Mỗi ý kiến đóng góp phải xuất phát từ tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao nhất đối với cử tri và đất nước./.