Ngân hàng Thế giới đánh giá tốt về hiệu quả quản lý nợ công của Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương vừa có buổi tiếp và làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) về Kết quả đánh giá quản lý nợ công (DeMPA) năm 2024 của WB đối với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương làm việc với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: MOF

Từ năm 2024, Đoàn chuyên gia của WB làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thực hiện đánh giá DeMPA tại Việt Nam. Mục tiêu nhằm đánh giá thực tiễn quản lý nợ của Việt Nam, đối chiếu với các thông lệ tốt, đồng thời chỉ ra những nội dung cần cải thiện.

Theo Báo cáo của WB, hiệu quả quản lý nợ tổng thể được đánh giá là tốt và khẳng định đã có những tiến triển tích cực về khuôn khổ pháp luật kể từ khi Luật Quản lý nợ công mới được ban hành năm 2017, cũng như việc ban hành các quy trình nội bộ để triển khai thực hiện.

Theo WB, các điểm mạnh Việt Nam đã đạt được trong quản lý nợ công như: Xác định rõ thẩm quyền, mục tiêu, mục đích vay nợ cụ thể, có văn bản quy phạm pháp luật quy định cho từng lĩnh vực. Về cơ cấu tổ chức, có sự phối hợp tốt giữa các bên, cán bộ đủ năng lực để quản lý nợ. Chiến lược quản lý nợ có chất lượng tốt, thông tin cơ bản về dư nợ được công bố định kỳ.

Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ được Kiểm toán Nhà nước thực hiện và báo cáo hàng năm, tình hình triển khai, kiến nghị được trình lên Quốc hội và được công bố công khai. Có sự phối hợp với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Quy trình vay trong nước, vay nước ngoài, bảo lãnh và cho vay lại được tổ chức, hoạch định rõ ràng. Dự báo dòng tiền và quản lý ngân quỹ đã được cải thiện đáng kể. Ghi chép nợ đầy đủ, chính xác và kịp thời đối với cả nợ trong nước và nước ngoài…Dựa trên cơ sở báo cáo này, ông Lars Jassen, chuyên gia trưởng về Quản lý nợ của WB cũng đã đề xuất một số nội dung cần cải thiện như: cần công khai báo cáo Quốc hội về nợ công; kế hoạch vay nợ hàng năm chưa đưa ra các chỉ tiêu cho các chỉ số rủi ro; kiểm toán hoạt động, báo cáo rủi ro tài khoá và phân tích bền vững nợ (DSA) chưa được thực hiện,….

Cùng với các chuyên gia của WB, ông Lars Jassen cũng đã trao đổi về các khuyến nghị nhằm hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, chú trọng các giải pháp để đa dạng hóa nguồn vốn vay, nâng cao hoạt động của cơ quan chuyên trách về quản lý nợ…Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, lĩnh vực quản lý nợ công là một trong những lĩnh vực quan trọng cần được để tâm trong tiến trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn mới. Để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình huy động vốn ở cả trong và ngoài nước. Mặc khác, cũng cần tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn vốn để đảm bảo mang lại hiệu quả thực chất, bền vững.

“Khi Việt Nam ngày càng phát triển, sẽ không còn ưu đãi trong các nguồn vốn được vay, do đó, sẽ có nhiều khó khăn đặt ra với bài toán huy động vốn. Trong bối cảnh đó, các đánh giá chi tiết và nhất là các khuyến nghị của WB là rất cần thiết với Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ mong muốn Đoàn chuyên gia của WB sẽ tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt sâu hơn, từ đó, đưa ra các tham vấn ở nhiều cấp độ khác nhau; bao gồm từ cấp độ kỹ thuật nghiệp vụ chuyên sâu cho đến những khuyến nghị về chiến lược, giải pháp quản lý; đồng thời, WB tiếp tục làm việc hiệu quả với đầu mối của Bộ Tài chính là Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại, cũng như các đơn vị khác của Bộ Tài chính trên tinh thần hỗ trợ, hợp tác để nâng cao khả năng quản lý nợ công.Hiệu quả quản lý nợ công (DeMPA) là bộ công cụ gồm 15 chỉ số đánh giá hoạt động quản lý nợ của chính phủ. Các chỉ số về hiệu quả được nhóm thành các chức năng quản lý nợ chính gồm có: quản trị và xây dựng chiến lược; phối kết hợp với chính sách tài khóa và tiền tệ; vay nợ và các hoạt động cung cấp tài chính có liên quan; dự báo dòng tiền và quản lý ngân quỹ tồn dư và quản lý rủi ro hoạt động và ghi nhận nợ.

Hiệu quả quản lý nợ (DPI) được chấm điểm trên nhiều khía cạnh, theo các mức A, B, C, D. Theo đó: C - đáp ứng yêu cầu tối thiểu, D - không đáp ứng yêu cầu tối thiểu, A - thông lệ/cách làm tốt, B - đạt giữa mức chuẩn tối thiểu và mức tốt, NA (Không áp dụng) - không có quy trình/hệ thống.Đánh giá DeMPA lần đầu với Việt Nam được thực hiện năm 2011, đến nay không còn phù hợp với thực tế. Cập nhật đánh giá DeMPA là hoạt động cần thiết để hỗ trợ triển khai các hoạt động đánh giá tổng thể tình hình triển khai Luật Quản lý nợ công 2017, đo lường các kết quả, tiến bộ trong công tác quản lý nợ và đề xuất các lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện./.

Tin liên quan

Ngoại giao kinh tế phục vụ đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3 – 8,5%

Chiều tối 22/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục

Bất động sản bán lẻ phân hóa mạnh, cơ hội cho nhà đầu tư chủ động

Thị trường bất động sản bán lẻ toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái định hình rõ nét, với đặc trưng nổi bật là sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa các mô hình, loại hình và khu vực đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn nhưng ngành bán lẻ cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng tuy rằng chưa đồng đều.

Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới

Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025 diễn ra sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo việc xây dựng các luật đảm bảo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm khâu trung gian, loại bỏ việc cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.

"Canh thiên tai" để dân được bình an

"Bắt mạch cho trời" là công việc khó, gian nan nhưng vì sự an toàn của cộng đồng với phương châm "tính mạng của con người là trên hết", cán bộ khí tượng thuỷ văn đã luôn nỗ lực, ứng trực 24/24h, cung cấp các thông tin dự báo cảnh báo đối với bão số 3, áp thấp nhiệt đới cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm do tác động của bão, hoàn lưu bão phục vụ sự chỉ đạo, điều hành, của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và tuyên truyền các cơ quan Thông tấn, báo chí.... Tất cả vì sự an toàn, bình yên của người dân trước, trong và sau thiên tai.