Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh
Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố còn ứng dụng Telemedicine trong hoạt động hội chẩn, đào tạo từ xa và chia sẻ kinh nghiệm với các bệnh viện tuyến dưới của các tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Nam.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh sử dụng máy tính bảng cập nhật và chia sẻ thông tin với người bệnh. 
Ảnh: TTXVN phát

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của mọi ngành, nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Nhiều năm qua, tuy còn gặp khó khăn về nguồn lực nhưng ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hướng đến xây dựng hệ thống y tế thông minh, mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng hiệu quả và tiện lợi hơn cho người dân.

Dấu ấn đầu tiên là các bệnh viện đồng loạt xây dựng hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử (EMR). Nhiều năm qua, tất cả bệnh viện trên địa bàn Thành phố đều nỗ lực và đang dần chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử. Điều này giúp lưu trữ thông tin bệnh nhân an toàn, dễ dàng truy xuất và chia sẻ giữa các cơ sở y tế, điển hình là các bệnh viện: Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng Thành phố, Trưng Vương, Truyền máu - Huyết học, Y học cổ truyền, Hùng Vương, Lê Văn Thịnh, Răng Hàm Mặt, Nhi đồng 1... Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai bệnh án điện tử tại các bệnh viện đã giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, giảm thủ tục hành chính, giúp bác sĩ có thêm thời gian tập trung vào việc điều trị cho bệnh nhân, giảm thiểu sai sót y khoa.

Người bệnh đăng ký khám bệnh tại bảng thông tin điện tử của Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị y tế của Thành phố cũng triển khai tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa (Telemedicine) giúp kết nối bác sĩ khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố. Điều này góp phần tạo sự an tâm cho người dân khi chọn trạm y tế làm nơi khám, chữa bệnh ban đầu; đồng thời, hỗ trợ chuyên môn từ xa cho các bác sĩ công tác tại các trạm y tế khi gặp những tình huống khó, hiếm gặp. Ngoài ra, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố còn ứng dụng Telemedicine trong hoạt động hội chẩn, đào tạo từ xa và chia sẻ kinh nghiệm với các bệnh viện tuyến dưới của các tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Nam.

Đặc biệt, nhiều bệnh viện tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán và điều trị như: Phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân; Ứng dụng robot trong sinh thiết xương ở các vị trí khó tiếp cận tại Bệnh viện Quân Y 175; Ứng dụng AI trong lập kế hoạch xạ trị của Bệnh viện Ung bướu đã mang lại độ chính xác cao và giảm thời gian điều trị (RayStation); Bệnh viện Hùng Vương ứng dụng AI trong sàng lọc ung thư cổ tử cung (CerviCare AI); Bệnh viện Mắt tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (EyeDr). Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối điều trị nhồi máu não cho người bệnh đến sau 6 giờ; Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong siêu âm tim…

Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP Hồ Chí Minh xem kết quả chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân trên máy tính. 
Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương tích cực chuyển đổi số trong quản lý sức khỏe cộng đồng và phòng, chống dịch bệnh. Từ năm 2016, hệ thống thông tin địa lý (GIS) đã được triển khai để theo dõi và quản lý bệnh truyền nhiễm. Trong giai đoạn phòng, chống COVID-19, công nghệ y tế đã đóng vai trò quan trọng với các hệ thống như quản lý người cách ly, khai báo y tế điện tử... Hiện, Thành phố tiếp tục mở rộng các nền tảng số trong quản lý dịch bệnh mới nổi giúp nâng cao năng lực ứng phó nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

“Xây dựng y tế thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dù vậy, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với một số thách thức trong quá trình xây dựng y tế thông minh. Hành trình chuyển đổi số trong y tế tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm xây dựng một nền y tế tiên tiến, minh bạch và hiệu quả hơn, phục vụ người dân một cách tốt nhất”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định./.

Tin liên quan

Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm

Trong hai năm gần đây, mỗi năm các bác sĩ tại Việt Nam ghép hơn 1.000 ca ghép tạng trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm. Thành tựu này thể hiện rõ những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu và kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng. Ở Việt Nam, hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống. Hiến tặng mô, tạng đã mở ra cơ hội sống cho nhiều người khác.  

Việt Nam được đánh giá cao trong thúc đẩy sử dụng AI trong lĩnh vực y tế

Trang mạng biospectrumasia.com (Singapore) vừa có bài viết về việc Việt Nam xác định trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ then chốt để thúc đẩy nền kinh tế và công bố một loạt quan hệ đối tác, khoản đầu tư và sáng kiến trong lĩnh vực này, đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến ngành y tế và thúc đẩy tăng trưởng của ngành y.

Tin cùng chuyên mục

Những kinh nghiệm hữu ích về xây dựng và kiến trúc đô thị cho Hà Nội từ thành phố cổ Kazan

Trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế lần thứ 4 về xây dựng và kiến trúc đô thị “Kazanysh”, diễn ra tại Kazan, thủ phủ Cộng hoà Tatarstan, LB Nga, nhiều phiên thảo luận đã đề cập đến các kinh nghiệm hữu ích cho Hà Nội, xét đến hai nét tương đồng giữa hai thành phố: lịch sử ra đời nghìn năm và vị trí địa lý nằm ở lưu vực con sông lớn của đất nước – Hà Nội bên dòng sông Hồng, và Kazan bên dòng sông Volga – sông Mẹ ở nước Nga.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng giám đốc FAO

Chiều 6/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) và đoàn công tác đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tổng Bí thư thăm, tặng quà nhân dân các dân tộc ở Hà Giang

Chiều tối ngày 5/2, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã đến thăm Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ); tặng quà các gia đình chính sách huyện Quản Bạ và tham gia các chương trình văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Đi cùng đoàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và lãnh đạo tỉnh Hà Giang.