Nghị quyết 66-NQ/TW: Kim chỉ nam trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật  
Trong không khí thiêng liêng và hào hùng của dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết số 66-NQ/TW cùng với các Nghị quyết số 57 (Đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia), Nghị quyết 59-NQ/TW (hội nhập quốc tế trong tình hình mới), Nghị quyết 68-NQ/TW (phát triển kinh tế tư nhân) được coi là bộ tứ chiến lược. Trong đó Nghị quyết 66 chính là kim chỉ nam trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đột phá về thể chế để đất nước vươn mình.

Trong nghị quyết 66-NQ/TW, Bộ Chính trị nhấn mạnh, “xây dựng” và “thi hành” pháp luật là một chỉnh thể không tách rời và được đặt ở vai trò “đột phá của đột phá”. Thể chế đã được xác định là điểm nghẽn của điểm nghẽn, vì thế được chọn là ở vị trí đi trước mở đường cho phát triển. Nghị quyết 66 đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề lớn nhất của hệ thống pháp luật hiện nay: “Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư”.  Đây là thực tế đã được nhìn nhận từ lâu nhưng việc khắc phục còn chậm chễ.

Ngay tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số là 2 dự án Luật đã minh chứng cho tinh thần thể chế hóa kịp thời Nghị quyết 57-NQ/TW. Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng cũng chính là 1 trong 7 nhiệm vụ chiến lược được nghị quyết 66 đề cập. Góp ý tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chiều 6/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh dự án Luật cần thể chế đủ tinh thần của các nghị quyết, chủ trương của Đảng.

Không định hướng chung chung, nghị quyết 66 đã đặt ra các mục tiêu hết sức cấp bách, cụ thể. Đó là: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Như vậy, khi điểm nghẽn được khơi thông, thể chế sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của đất nước.

Trong bài viết "ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ, PHÁP LUẬT ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH", Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa đã khẳng định quyết tâm thực hiện nghị quyết 66: “Chúng ta dứt khoát nói "không" với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi”. Và chỉ 4 ngày sau khi nghị quyết được ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban được thành lập - 1 lần nữa đã thể hiện quyết tâm đột phá về thể chế, mở đường cho sự phát triển. Người dân và DN kỳ vọng nghị quyết 66 cùng các nghị quyết trong bộ tứ chiến lược sẽ tạo đà cho đất nước bứt phá, thực hiện thành công các mục tiêu lớn đã đặt ra./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục