Báo cáo của tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền công bố ngày 19/6 chấm Việt Nam 4,6 điểm ở mục An toàn trước Nhà nước và và 2,3 điểm ở mục Trao quyền trên thang điểm 10 trong năm 2023, mức điểm này năm 2022 là 4,9 và 2,7. Theo HRMI, điểm An toàn trước Nhà nước đang ở mức dưới trung bình, cho thấy nhiều người Việt không an toàn trước một hoặc nhiều điều như: bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn và bị ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua tòa án. Tổ chức này cho rằng, so với 45 quốc gia khác được khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về quyền được an toàn trước nhà nước.
Không những thế, tổ chức này còn mượn lời những kẻ cơ hội chính trị, chống phá để chọc ngoáy, công kích Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vẫn là những luận điệu cũ rích, tổ chức này quy chụp: tình hình nhân quyền Việt Nam không có cải thiện gì so với các năm trước. Nhiều người thuộc giới bất đồng chính kiến vẫn bị bắt giữ bất kể là họ còn hoạt động hay không, cho thấy sự cởi mở về vấn đề phản biện là không có. Người dân Việt Nam có các quyền về y tế, chỗ ở, thực phẩm nhưng chất lượng rất tệ trong khi nền giáo dục thực chất là định hướng. Bên cạnh đó, quyền tự do hội họp không có trên thực tế.
Ngoài ra, bất chấp thực tế mỗi năm, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ra quyết định ân giảm án tử hình cho hàng chục người, tổ chức này vẫn mù quáng chấm Việt Nam 4,9 điểm – điểm số dưới mức trung bình cho tiêu chí Quyền không bị kết án tử hình.
Đa chiều
Ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người đã được khẳng định không thể tách rời quyền của dân tộc "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Từ đó đến nay, quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tiếp nối các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” và sau đó là hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân
Theo đó, công dân có các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền tự do dân chủ khác.Tuy nhiên, nguyên tắc chung là việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác hay của Nhà nước. Nếu xâm phạm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý bằng nhiều hình thức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả...
Còn đối với tiêu chí Quyền không bị kết án tử hình như HRMI chấm điểm, phải khẳng định rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn áp dụng hình phạt tử hình. Pháp luật quốc tế không cấm áp dụng hình phạt tử hình. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”.