Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Eikoh Seisakusho, không ít lao động Việt Nam đang làm việc tại đây.
Trẻ trung, có sức khỏe, thoăn thoắt thực hiện các thao tác với một sự tự tin và điềm tĩnh, Nguyễn Thị Yến Nhi là một trong những kỹ sư chủ chốt của công ty. Sau 3 tháng tham gia chương trình thực tập, Nhi được giám đốc công ty mời trở lại làm việc với tru cách một kỹ sư.
Hài lòng với công việc hiện tại, Yến Nhi bày tỏ mong muốn được gắn bó lâu dài. Vì vậy, em đang nỗ lực học tập nâng cao tiếng Nhật để giao tiếp tốt hơn, nhanh hơn với đồng nghiệp Nhật Bản.
Còn đây là Phạm Ngọc Thùy, thực tập sinh trong ngành điều dưỡng, làm việc tại cơ sở chăm sóc người già Eikoh, tỉnh Gunma. Công việc điều dưỡng về cơ bản là sống cùng với các cụ cao tuổi, hỗ trợ họ trong sinh hoạt và trò chuyện cùng các cụ.
Ngọc Thùy được đánh giá là một trong những thực tập sinh nỗ lực tốt nhất. Em nói rằng em sẽ cố gắng để lấy được chứng chỉ “điều dưỡng viên” trong kỳ thi tay nghề quốc gia của Nhật Bản.
Còn câu chuyện thành công của anh Vũ Sĩ Luân tại nhà máy Sanshin Kogyo này thực sự truyền cảm hứng. Sĩ Luân sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách thực tập sinh vào năm 2010. Từng bước, từng bước, từ một lao động tay nghề thấp, đến tháng 4/2020, Luân đỗ chứng chỉ tay nghề số 2 chuyên ngành đúc nhựa. Cấp độ 2 là một trình độ khó kể cả đối với lao động Nhật Bản, đòi hỏi kỹ năng chuyên môn tốt và khả năng cao về tiếng Nhật.
Hiện, anh đã đỗ chứng chỉ tay nghề cấp độ 1, cấp độ cao nhất. trong cuộc thi hồi tháng 8/2024. Với chứng chỉ N1, Luân đã có thể đảm nhận vai trò quản đốc trong ngành đúc nhựa tại Nhật Bản. Hiện, Luân đã được cấp tư cách lưu trú kỹ năng đặc định số 2 ngành nhựa, tư cách visa cao nhất dành cho lao động nước ngoài, được phép đưa gia đình sang cư trú lâu dài tại Nhật Bản.
Những nỗ lực của Luân, Nhi và Thùy đã được ghi nhận. Cả 3 em đã vinh dự được Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu trao tặng giấy khen là Lao động Việt Nam tiêu biểu trong Ngày lao động Việt Nam tại Nhật Bản 2024 được tổ chức vào ngày 8/12.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, bên cạnh 200.000 thực tập sinh kỹ năng đang làm việc, hiện nay, hơn 50% nhân lực Việt Nam tại Nhật Bản có tay nghề cao trong đó có 130.000 lao động theo diện kỹ năng đặc định và khoảng 100.000 người làm việc tại Nhật Bản theo diện Kỹ thuật, Trí thức nhân văn và Nghiệp vụ quốc tế. Những con số này cho thấy sự phát triển về chất trong lực lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản, với sự dịch chuyển cơ cấu từ nhóm lao động tay nghề thấp chiếm đa số sang sự phân bố đồng đều hơn giữa tay nghề thấp với nhóm lao động tay nghề cao và các nhóm khác.