Ninh Thuận: Ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển bền vững
Ninh Thuận tiếp tục xác định công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực rừng tự nhiên, các Vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là ưu tiên hàng đầu.
Bãi rạn rong biển tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển ở Ninh Thuận.
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Xác định vai trò quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh Ninh Thuận triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Các nỗ lực này tập trung vào việc bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, môi trường sống, nâng cao nhận thức và sự tham gia đóng góp của cộng đồng.

Đa dạng tài nguyên quý hiếm

Ninh Thuận sở hữu nhiều hệ sinh thái đặc trưng và quan trọng như rừng khô hạn, vùng ven biển với các rạn san hô, thảm cỏ biển và các khu vực rừng núi cao. Đây là nơi phân bổ, cư trú của nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm. Sự đa dạng này được thể hiện rõ nét nhất ở các khu bảo tồn, tập trung tại Vườn Quốc gia Phước Bình và Vườn Quốc gia Núi Chúa. Cả hai khu vực này chứa đựng những giá trị đa dạng sinh học phong phú, với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.

Với tổng diện tích khoảng 25.000 ha, Vườn Quốc gia Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái) có vị trí đặc biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học; là nơi chuyển tiếp, giao thoa giữa hệ sinh thái rừng thường xanh núi cao của khu vực cao nguyên Langbiang và hệ sinh thái đất thấp Nam Việt Nam. Những giá trị về đa dạng sinh học đã được chứng minh với hơn 1.338 loài thực vật, 327 loài động vật gồm 69 loài thú, 206 loài chim, 34 loài bò sát, 18 loài lưỡng cư. Số lượng loài động vật quý hiếm, đặc hữu được ghi nhận có phân bố trong Vườn Quốc gia Phước Bình gồm 6 loài lưỡng cư, 18 loài bò sát, 30 loài chim và 35 loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN.

Nằm trong Khu dự dữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, Vườn Quốc gia Núi Chúa có diện tích trên 30.000 ha, đại diện cho vùng sinh thái bán khô hạn và vùng sinh thái ẩm với 6 kiểu rừng khác nhau. Theo khảo sát mới nhất, Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện có 1.514 loài thực vật, trong đó, có 27 loài đặc hữu, 54 loài thực vật có tên trong Danh lục đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam. Tại những khu rừng này, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 763 loài động vật, trong đó, có 60 loài động vật quý hiếm, 48 loài động vật đang nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.

Một góc rừng thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận).
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Không chỉ đa dạng về hệ sinh thái rừng, Vườn Quốc gia Núi Chúa còn sở hữu sự phong phú của hệ sinh thái biển với 40 km đường bờ biển bao quanh và khu bảo tồn biển rộng 7.352 ha. Nơi đây là điểm đến sinh sản quan trọng của quần thể rùa biển và có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với khoảng 350 loài.

Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, đơn vị đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng, biển. Vườn Quốc gia cũng hợp tác thực hiện các đề tài nghiên cứu, điều tra để bổ sung danh mục các loài động thực vật. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm ba loài thực vật mới, quý hiếm và có phạm vi phân bố hẹp tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, bao gồm: Sầm cuống dài, Diệp hạ châu Núi Chúa và Lòng mức Núi Chúa. Phát hiện này không chỉ làm phong phú thêm danh mục thực vật của quốc gia mà còn mở ra tiềm năng lớn cho việc khám phá thêm nhiều loài mới tại khu vực và các vùng lân cận.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các Vườn quốc gia và khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ các hệ sinh thái rừng và biển. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai các chương trình đầu tư trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng, trồng cây bản địa để mở rộng diện tích che phủ rừng và khuyến khích sự tham gia chủ động của người dân vào các hoạt động bảo tồn.

Tính riêng trong giai đoạn 2023 - 2025, Ninh Thuận bố trí trên 112 tỷ đồng cho công tác trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.121 ha, bao gồm 500 ha rừng đặc dụng và 621 ha rừng phòng hộ, nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn và sa mạc hóa. Tỉnh cũng khuyến khích mạnh mẽ phát triển rừng theo mô hình nông - lâm kết hợp và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, tài nguyên đa dạng sinh học của tỉnh hiện đang chịu nhiều áp lực từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và các tác động từ con người.

Định hướng bảo tồn gắn với phát triển

Thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận tiếp tục xác định công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực rừng tự nhiên, các Vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là ưu tiên hàng đầu, song hành với phát triển rừng bền vững và bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Mục tiêu cốt lõi là bảo vệ môi trường sống, duy trì đa dạng sinh học và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Rùa con trong khu bảo tồn biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải, Ninh Thuận).
Ảnh: TTXVN phát

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Ninh Thuận sẽ tăng cường công tác bảo tồn tại Vườn Quốc gia Núi Chúa theo các tiêu chuẩn và quy định của UNESCO, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, cũng như bảo tồn các loài động thực vật bản địa quý hiếm, gắn với các hoạt động du lịch sinh thái. Vườn Quốc gia Phước Bình sẽ tập trung vào bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn và phát huy các giá trị về thiên nhiên, các hệ sinh thái tiêu biểu, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, văn hóa, lịch sử và cảnh quan, phục vụ nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ môi trường và giáo dục môi trường theo đúng quy hoạch và pháp luật.

Khu vực Đầm Nại, với vai trò là Khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển đặc trưng, sẽ được chú trọng phát triển và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn. Biện pháp này không chỉ quan trọng trong việc bảo vệ đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mục tiêu là giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người đến tài nguyên đa dạng sinh học, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song song với nhiệm vụ bảo tồn, tỉnh cũng đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và du lịch tham quan, nghỉ dưỡng để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.

Với các giải pháp triển khai đồng bộ và quyết tâm cao, tỉnh Ninh Thuận đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững hơn./.


Tin liên quan

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Minh chứng điển hình về mối liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người

Tối 26/12/2024, tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 năm 2024. Với diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 6 huyện, thành phố, có 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước... Công viên địa chất Đắk Nông là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Công viên trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO lần đầu tiên vào tháng 7/2020.  

Tin cùng chuyên mục

Mang tinh hoa di sản Kinh Bắc đến với công chúng Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 7/4/2025, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức "Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc" nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt tại Pháp tranh dân gian Đông Hồ và dân ca Quan họ, những di sản tiêu biểu làm nên hồn cốt văn hóa vùng đất Kinh Bắc. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được Chính phủ Việt Nam đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, dự kiến sẽ được xét duyệt vào tháng 12/2025 tại Ấn Độ.

Những sứ giả hòa bình

Tối 8/4, máy bay chở đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, khép lại hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế tại nước bạn Myanmar, quốc gia Đông Nam Á vừa hứng chịu thảm họa động đất độ lớn 7,7. Suốt 10 ngày làm nhiệm vụ không ngừng nghỉ, những chiến sĩ Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với các lực lượng nước ngoài, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế và ý thức trách nhiệm cao cả, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân vùng thiên tai và bạn bè quốc tế về hình ảnh của những "sứ giả hòa bình" mang sắc cờ đỏ sao vàng thiêng liêng.