Phát triển kinh tế tư nhân góp phần làm giàu cho bản thân, xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng |
Quan điểm này thể hiện rõ sự trân trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thành phần kinh tế tư nhân. Người coi trọng lợi ích dân tộc và yêu cầu thực tiễn của đất nước. Trong báo cáo dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1959, Người đã chỉ ra các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất tại Việt Nam gồm: sở hữu Nhà nước, hợp tác xã, sở hữu của người lao động riêng lẻ và sở hữu nhà tư bản. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu, giúp cải tiến cách làm ăn, khuyến khích tổ chức hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện và hướng dẫn các nhà tư sản công thương hoạt động phù hợp với kế hoạch kinh tế, nhằm giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước và tiến lên CNXH.
Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) khẳng định sự tồn tại của KTTN gắn với nền kinh tế nhiều thành phần. Đại hội Đảng thứ VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII đều khẳng đính vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển về kinh tế tư nhân đã được ban hành.
Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia… Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng”.
Nghị quyết 68 đã chính thức đưa kinh tế tư nhân vào vị trí “trụ cột” trong mô hình phát triển mới của Việt Nam, một trong bốn “bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam tạo ra đột phá trong đổi mới, cải cách, bao gồm: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; và phát triển kinh tế tư nhân.
Có thể nói, Nghị quyết 68 là đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”. Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.
Thu Hạnh