“Phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kì quan trọng” |
Tháng 6/1947, trong “Thư gửi đồng bào trung du và hạ du chống lụt”, Người nhấn mạnh: “Mùa lụt đã đến gần. Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm...”.
Ngày 16/7/1953, báo Nhân Dân đăng bài “Ra sức giữ đê phòng lụt”, trong đó Người viết: “Đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch”.
Bác từng nhấn mạnh: “Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kì quan trọng…”
Qua những bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất cụ thể, chi tiết về những giải pháp, biện pháp, kinh nghiệm phòng chống thiên tai. Người quan niệm muốn chống thiên tai hiệu quả trước hết phải chú ý đến công tác dự báo, đề phòng, chuẩn bị. Người luôn nhắc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cảnh giác, tập trung chuẩn bị trước để phòng chống thiên tai. Người viết: “Tuyệt đối không nên chờ “nước đến chân mới nhảy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ:
“Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân…”
“Cán bộ phải đi xuống cơ sở cùng với đồng bào bàn kế hoạch và thực hiện kế hoạch phòng và chống lụt, bão cho tốt”.
“Trong việc đắp đê giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất”.
Với tầm nhìn và tư duy chiến lược, Bác nhận thấy nguy cơ thiên tai từ nạn phá rừng của con người. Vì vậy, muốn giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phải tích cực bảo vệ rừng. Trong “Thư gửi Đại hội hợp tác xã và Đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du” ngày 11/4/1964, Người phân tích: “Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”
Bác cũng đã chỉ ra nhiệm vụ chống thiên tai cần phải được tiến hành song song với phát triển thuỷ lợi, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chăm lo tới công tác phòng, chống thiên tai.
Nhìn lại tất cả các cơn bão, những đợt lũ lụt, có thể thấy rất rõ tinh thần “thời chiến” khi ứng phó với thiên tai ở nước ta. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự khẩn trương cao nhất, dành ưu tiên mọi nguồn lực ở mức cao nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở thường xuyên kiểm tra, bám nắm, chỉ đạo và đôn đốc việc phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng chức năng, đặc biệt là quân đội, công an luôn huy động tối đa lực lượng, phương tiện cho nhiệm vụ này./.
Phương Thảo - Thanh Bình