Ông Bùi Quang Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh trao đổi với Phóng viên TTXVN về Quy định 144-QĐ/TW. |
Ảnh: TTXVN phát |
Ông Bùi Quang Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho rằng, thực tế những năm gần đây, một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sai phạm bị xử lý kỷ luật đã làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc ban hành Quy định 144 sẽ giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đặc biệt, thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Quy định này cũng là kim chỉ nam để tổ chức Đảng các cấp chuẩn bị công tác nhân sự, xem xét, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài đưa vào quy hoạch và giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới.
Theo ông Bùi Quang Huy, phần lớn những chuẩn mực đạo đức trong Quy định 144 là những quy định trong Điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được làm trước đây được Bộ Chính trị hệ thống lại ngắn gọn, rõ ràng. Điều 5 của Quy định 144, chuẩn mực “Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng” được ông Bùi Quang Huy rất tâm đắc và cho rằng, để xây dựng Đảng vững mạnh, đảng viên phải luôn đi trước để “làng nước” theo sau. Đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Thời gian qua, bên cạnh những cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu trong công việc và cuộc sống, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý (trong đó có cả một số cán bộ cấp cao) vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn xây dựng kế hoạch cụ thể hóa Quy định 144 đến cán bộ, đảng viên. |
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Đồng quan điểm trên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn cho rằng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tình trạng cá nhân chủ nghĩa thực dụng, tham nhũng tiêu cực; né tránh, ngại va chạm, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ… ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Quy định 144 được ban hành khẳng định sự quyết tâm của Đảng trong củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên "vừa hồng, vừa chuyên", có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, có năng lực thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là công cụ hữu hiệu để lựa chọn những cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực; có "bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập", biết sống "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"… để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự trường tồn và phát triển bền vững của đất nước.
Các nhóm chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong Quy định 144 đều rất sâu sắc, nội dung khách quan, khoa học về lý luận và thực tiễn, đi vào đời sống sẽ phát huy được sức mạnh nội sinh của Đảng và hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tất cả cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng trong nghiên cứu, quán triệt, thực hiện các chuẩn mực đạo đức này; lấy đó làm thước đo, chuẩn mực hành động, ứng xử trong công tác và cuộc sống.
Tại Điều 5, các chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là phẩm chất cốt lõi của cán bộ, đảng viên; trong đó, nhấn mạnh việc “nêu cao lòng tự trọng và danh dự”, "thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín" thể hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng trong điều kiện, môi trường kinh tế - xã hội giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập quốc tế. Chuẩn mực này cũng nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn tự rèn luyện bản thân, tự soi xét mình; hình thành ý thức trách nhiệm cá nhân đối với tổ chức, quốc gia dân tộc, sẵn sàng từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Ngay sau khi Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định 144, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt Quy định 144 tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (mở rộng) vào sáng 29/5/2024. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa Quy định này để hướng dẫn cán bộ, đảng viên trong tỉnh; sớm đưa Quy định đi vào đời sống, trước hết là trong đời sống chính trị của tất cả cấp ủy và đảng viên một cách thực chất.
Cùng với Quy định 144, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW, ngày 23/4/2024 thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định số 148-QĐ/TW, ngày 23/5/2024 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông Trần Quốc Tuấn cho rằng, các quy định này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó, người đứng đầu được giao quyền lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tài, đủ đức để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với những cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân; cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…
Cụ thể, Quy định 142 ngăn chặn được tình trạng “địa phương chủ nghĩa”, “cá nhân chủ nghĩa”, bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, cục bộ bè phái… lâu nay vẫn tồn tại ở một số địa phương, đơn vị và nguyên nhân là do sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Quy định 148 nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời cũng trao cho người có thẩm quyền được chủ động xử lý cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là giải pháp rất quan trọng và phù hợp để chấn chỉnh thực trạng tác phong, tư cách lệch lạc, tiêu cực, quan liêu, thờ ơ với công việc chung… của cán bộ; đồng thời, ngăn chặn kịp thời căn bệnh “sợ trách nhiệm” đang xuất hiện ở một số nơi.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, những yêu cầu mới đặt ra trong công tác cán bộ hiện nay là phải lựa chọn cán bộ có tâm, xứng tầm, đảm bảo các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đủ trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Việc đánh giá cán bộ cần thông qua kết quả làm việc, sản phẩm công việc đảm bảo chất lượng; đồng thời, kịp thời phát hiện và mạnh dạn xử lý các trường hợp cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; triển khai xây dựng văn hóa từ chức cho cán bộ, đảng viên.
Ông Lữ Công Tạo, Phó Bí thư Đảng ủy khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh trao đổi với Phóng viên TTXVN về Quy định 144-QĐ/TW. |
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN |
Qua nghiên cứu Quy định 144, ông Lữ Công Tạo, Phó Bí thư Đảng ủy khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh cho rằng, những chuẩn mực trong Quy định có sự tiếp nối logic theo những quy định trước đây; trong đó, bổ sung, hiện thực hóa các quy định về nêu gương. Cùng với đó, công tác quán triệt, triển khai Quy định 144 trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với sự đồng bộ, nhất quán, khoa học và chặt chẽ cao, từ Trung ương đến cơ sở.
Đảng bộ khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh hiện có 83 tổ chức cơ sở Đảng (38 Đảng bộ cơ sở, 45 Chi bộ cơ sở), 285 Chi bộ và 4 Đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng ủy cơ sở với tổng số 6.219 đảng viên. Thường trực Đảng ủy khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Văn phòng Đảng ủy gửi công văn đến các Chi, Đảng bộ cơ sở để triển khai, quán triệt trong cuộc họp sinh hoạt thường kỳ tháng 6/2024. Đến nay, Quy định 144 cơ bản đã được quán triệt đến trên 98% tổ chức Đảng và đảng viên của Đảng bộ khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh./.
Thanh Hòa