Thúc đẩy bình đẳng giới bền vững: Sẵn sàng hợp tác quốc tế
Việt Nam tin tưởng có thể đạt được tiến bộ và tiến tới thúc đẩy bình đẳng giới bền vững, đồng thời sẵn sàng chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế bảo vệ, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên quy mô toàn cầu, khu vực.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). 
Ảnh: Thanh Tuấn-PV TTXVN tại Hoa Kỳ

Dựa trên những thành tựu đã đạt được trong gần 30 năm qua, với quyết tâm chính trị cao cũng như sự hợp tác quốc tế vì mục tiêu chung, Việt Nam tin tưởng có thể đạt được tiến bộ và tiến tới thúc đẩy bình đẳng giới bền vững, đồng thời sẵn sàng chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế bảo vệ, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên quy mô toàn cầu, khu vực.

Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái

“Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, những tiềm năng to lớn của phụ nữ cần được phát huy mạnh mẽ, hiện thực hóa bằng những cam kết và nguồn lực tương xứng. Trong tiến trình đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 11/3/2024 ở Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).

Trong 30 năm qua, Chính phủ Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện luật pháp và chính sách quốc gia. Việt Nam đã nghiêm túc đưa vấn đề bình đẳng giới vào xây dựng các văn bản pháp luật và chính sách nhằm xóa bỏ các quy định phân biệt đối xử với phụ nữ hoặc nam giới; Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các văn bản pháp luật khác đã có những quy định mới nhằm bảo đảm quyền phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). 
Ảnh: Thanh Tuấn-PV TTXVN tại Hoa Kỳ

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đa dạng nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ, nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Tháng 1/2024, Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, góp phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông, thúc đẩy bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực đã được Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc. Sự tham gia tích cực của Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện pháp luật, chính sách đã mang lại những kết quả quan trọng.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ luôn cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (30,26%); phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, nữ CEO xuất sắc của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế trên thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Bên cạnh đó, khoảng cách giới ở mọi cấp học đã được thu hẹp; hệ thống chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị đã được tăng cường; hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới đã được mở rộng và cải thiện.

Những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong những năm gần đây nhằm giải quyết bất bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm luật pháp, chính trị, giáo dục và việc làm.

Chung tay cùng cộng động quốc tế thúc đẩy bình đẳng giới

Những kết quả tích cực trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới đã nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ.

Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027. Kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đó là bằng chứng không thể phủ nhận về thành tựu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Việt Nam.

Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo kết nối kinh doanh “Đa dạng nhà cung cấp và mua sắm có trách nhiệm giới”. 
Ảnh: TTXVN phát

Theo Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Caroline Nyamayamombe, dựa vào thành tích và kinh nghiệm của mình, Việt Nam với dân số đa dạng và văn hóa xã hội độc đáo, sẽ mang đến thế giới nhiều góc nhìn sâu sắc về thúc đẩy bình đẳng giới. “Việt Nam có thể chia sẻ hành trình của riêng mình và truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác. Những đóng góp này là vô giá trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ các phương pháp tiếp cận và hợp tác đổi mới, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”, bà Caroline Nyamayamombe cho hay.

Tham gia Hội đồng Chấp hành UN Women, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp nhận, phối hợp với các nước, tổ chức quốc tế, chung tay tháo gỡ những lực cản trong thúc đẩy bình đẳng giới bền vững.

Ngày 15/11/2024, phát biểu tại Lễ Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định Liên hợp quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức trên hành trình thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời kêu gọi huy động toàn xã hội cùng chung tay chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và nạn buôn bán người.

“Năm 2025, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh, hãy cùng lan tỏa thông điệp không biện minh cho hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và cùng nhau xây dựng một xã hội an toàn, công bằng hơn cho tất cả mọi người”, bà Paulines Tamasis nhấn mạnh./. (Hết)


Tin liên quan

Việt Nam thể hiện cam kết nhân đạo tại hội chợ từ thiện của LHQ

Thành sự kiện hằng năm, Hội chợ quốc tế UN Bazaar 2024, do Hội phụ nữ Liên hợp quốc (UNWG) tổ chức, đã diễn ra ngày 19/11, tại trụ sở của tổ chức ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Thông báo của Ban tổ chức khẳng định số tiền thu được từ sự kiện thường niên này sẽ được dành để tài trợ cho các dự án hỗ trợ trẻ em thiệt thòi trên toàn thế giới nhằm thể hiện tinh thần hợp tác và đa phương của Liên hợp quốc (LHQ).

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam lần đầu góp mặt tại Giải thưởng TechWomen 100 Vương quốc Anh

Với những nghiên cứu và đóng góp nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh từ đại học UCL (University College London) đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên giành Giải thưởng TechWomen 100 của Anh. Lễ trao giải diễn ra tại trung tâm hội nghị Queen Elizabeth II ở London tối 21/11 (giờ Anh).

Nối những nhịp cầu trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và làm việc tại Brazil, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Hội An - Nơi thời gian ngừng trôi

Nằm bên dòng sông Hoài thơ mộng, Đô thị cổ Hội An như một viên ngọc quý giữa lòng Quảng Nam, lưu giữ vẻ đẹp cổ kính và bình yên xuyên suốt hàng thế kỷ. Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999, Hội An không chỉ là một bảo tàng sống của kiến trúc và lối sống đô thị mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây độc đáo.

"Mái ấm cho đồng bào” trong kỷ nguyên vươn mình

Xóa nhà tạm không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mà đây là việc làm thiết thực nhằm hoàn thành công cuộc giảm nghèo bền vững, hướng tới một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị yêu cầu cấp thiết

Mới đây tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, năm 2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí tư Tô Lâm đã khẳng định: “Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay”; “Phải thật khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng”. Chủ trương lớn này đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng tình của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân.

9 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam (tính đến tháng 11/2024)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Malaysia, chiều 21/11/2024, ngay sau hội đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cùng chủ trì họp báo. Phát biểu tại họp báo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia. Đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (21/11/2024).