Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có diện tích chuyên canh lớn nhất về trồng cây thanh long |
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Năm 2024, tỉnh Tiền Giang nỗ lực đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập với sự tham gia của các ngành, các cấp trên tinh thần chung tay vì người nghèo, giảm nghèo bền vững “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết, trong năm 2024, thông qua các giải pháp hỗ trợ, Tiền Giang đã giúp gần 500 hộ được công nhận thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 0,87% đồng thời có 19.000 lao động được giải quyết công ăn việc làm, vượt 5,6% chỉ tiêu cả năm và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%.
Từ thành quả năm 2024, trong năm 2025, Tiền Giang phấn đấu tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đưa 550 lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4% và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 thêm 0,07 điểm % so năm 2024.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Hải, nhằm chăm lo giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, trong năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp từ các đơn vị và nhà hảo tâm cho các chương trình an sinh xã hội trong tỉnh gần 422 tỷ đồng.
Từ nguồn vận động trên, đơn vị đã tổ chức thăm viếng, tặng tiền, quà cho trên 421.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng; xây cất và sửa chữa gần 300 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho trên 1,3 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng; trợ giúp vốn liếng làm ăn cho trên 3.900 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng,…
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh cho biết, trong năm 2024, địa phương được phân bổ 770 triệu đồng triển khai các dự án hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện các dự án đang phát huy hiệu quả, giúp bà con phát triển chăn nuôi lợn, bò, gia cầm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo nông thôn.
Chăn nuôi bò giảm nghèo ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tinh Tiền Giang. |
Nguồn: Cổng thông tin Điện tử tỉnh Tiền Giang |
Qua ghi nhận tại Gò Công Tây, tổng đàn lợn toàn huyện hiện có 40.500 con, tăng 6,600 con so năm trước và vượt 19,12% so kế hoạch năm 2024; đàn bò tăng 1.280 con so năm trước và vượt 2,15% so kế hoạch cả năm 2024; đàn gia cầm 2.150.000 con, tăng 350.000 con so năm trước và vượt 19,41% so kế hoạch cả năm. Đây cũng là huyện xác định phát triển chăn nuôi là chương trình trọng tâm giúp giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cái Bè phối hợp cùng các cấp, các ngành triển khai các dự án trọng điểm về giảm nghèo nông thôn gồm: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình giảm nghèo.
Theo đánh giá, các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao thu nhập vượt khó, thoát nghèo.
Điển hình như các dự án trợ giúp vốn liếng nuôi bò thịt, chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, may mặc, hỗ trợ người bán vé số lưu động hoặc hỗ trợ trên các lĩnh vực phát triển sản xuất khác.
Người lao động nhàn rỗi tham gia sơ chế rau ở hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. |
Ảnh: Hữu Chí - TTXVN |
Tại xã Hậu Mỹ Phú (huyện Cái Bè), được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chị Đoàn Thị Kim Thoa, cư ngụ tại ấp Mỹ Quới, xã Hậu Mỹ Phú được hỗ trợ 3 con lợn nái sinh sản với tổng kinh phí 24 triệu đồng trong thời gian 3 năm (2023 – 2026). Sau chu kỳ hỗ trợ, dự án thu hồi 30% tiền hỗ trợ đã giải ngân. Lợn nái sinh sản chị giữ lại, lợn con nuôi bán thịt. Hiện chị đã xuất được một lứa lợn thịt 17 con, tổng trọng lượng khoảng 20 tạ, tổng thu 126 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, dự kiến chị sẽ xuất chuồng thêm một lứa lợn thịt nữa.
Chị Đỗ Thị Cẩm Tú, cán bộ công chức văn hóa xã hội, xã Hậu Mỹ Phú vui mừng cho biết, nhờ nguồn lợi từ chăn nuôi lợn nái, lợn thịt được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 – 2024, gia đình chị Đoàn Thị Kim Thoa được công nhận thoát hộ cận nghèo với mức thu nhập hàng tháng nâng gần 3 triệu đồng/ người.
Ngoài chị Đoàn Thị Kim Thoa, trên địa bàn xã Hậu Mỹ Phú còn có 8 hộ bán vé số lưu động được hỗ trợ mỗi hộ bình quân 15 triệu đồng/ hộ về vốn để kinh doanh. Sau chu kỳ 1 năm sẽ thu hồi 30% tổng kinh phí hỗ trợ. Đây là nguồn vốn quan trọng giúp các hộ khó khăn, cơ nhỡ trên địa bàn có cơ hội vươn lên vượt qua khó khăn, giảm nghèo bền vững theo tôn chỉ, mục đích của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, trên cơ sở gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều xã phường trong tỉnh cũng có những giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo nông thôn phù hợp với đặc thù địa bàn, tiềm lực kinh tế vừa mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) dự kiến ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, Đảng bộ và chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang kinh tế nông thôn gắn với phát triển tiềm năng du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Năm 2024, xã nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 79,2 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%./.