Cô và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh hào hứng với giờ đọc sách. |
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN |
Phát huy truyền thống hiếu học xứ Kinh Bắc, Bắc Ninh ngày nay đã có nhiều cách làm hiệu quả, huy động sự chung tay của cộng đồng xã hội, xây dựng xã hội học tập; duy trì thành tích giáo dục là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
* Tiếng trống khuyến học ban đêm
Hàng chục năm nay, phong trào “Tiếng trống khuyến học ban đêm”, khởi nguồn từ thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, đã trở thành phong trào nổi tiếng cả nước. Theo đó, cụ Nguyễn Văn Thúc, người thôn Trác Bút, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, là một trong những người đưa ra ý tưởng trên từ năm 1984, khi cụ về nghỉ hưu và làm Trưởng Ban Khuyến học thôn Trác Bút.
Phong trào chính thức được triển khai và lan tỏa từ năm 2000. Mỗi ngày, cứ 19 giờ vào mùa Đông và 19 giờ 30 phút vào mùa Hè, tiếng loa truyền thanh “Đã đến giờ tự học của các cháu, Hội Khuyến học Trác Bút đề nghị các hộ gia đình vặn nhỏ đài, ti vi, đôn đốc con em ngồi vào bàn học tập. Tùng tùng tùng!… Tùng tùng tùng…” lại vang lên. Những âm thanh đó như lời thúc giục không chỉ học sinh mà toàn thể phụ huynh cùng thu xếp, tạo điều kiện cho con, em học bài. Tất cả học sinh trong thôn dù đang làm gì cũng dừng lại để ngồi vào bàn học. Đặc biệt, trong thôn đã cử ra ban đại diện gồm các ông, bà trong ban khuyến học, các hội, đoàn thể thay nhau đến kiểm tra việc chấp hành “tiếng trống” khuyến học của các gia đình.
Các cháu học sinh nghiêm túc ngồi vào bàn học trước 19 giờ tối. |
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN |
Từ thôn Trác Bút, tiếng trống khuyến học lan nhanh đến hầu khắp các thôn, khu phố của huyện Yên Phong, rồi tỏa đến nhiều địa phương ở trong và ngoài tỉnh, đến mỗi nơi lại có cách làm sáng tạo phù hợp.
Em Nguyễn Hải My, khu phố Phúc Sơn, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Nhiều năm nay, cứ vào 19 giờ là tiếng trống khuyến học lại được phát trên loa truyền thanh thôn. Cũng đến giờ đó chúng em lại ngồi vào bàn học bài. Cũng có những hôm gia đình bận việc, bố mẹ cho em ăn cơm trước để thu xếp học bài đúng giờ “trống giục”. Đến nay, như đã thành thói quen, ban ngày khi đi học về, em thường vui chơi, vệ sinh, cá nhân, ăn tối rồi học bài trước giờ loa truyền thanh phát đi tiếng trống. Cũng không để bố mẹ phải nhắc nhở, 3 anh chị em trong nhà đều nghiêm túc thực hiện.
Cùng với phong trào khuyến học ở các địa phương, phong trào học tập trong các trường học cũng được tỉnh triển khai mạnh mẽ. Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024 (từ ngày 1-7/10), được Bắc Ninh tổ chức lễ phát động tập trung, sâu rộng. Nhiều đơn vị, địa phương đã nhanh chóng tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Điều này, khẳng định sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng xã hội với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo sức lan tỏa xây dựng phong trào học tập suốt đời đến đông đảo nhân dân.
Tại Trường Trung học Cơ sở Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, địa phương phối hợp với nhà trường thực hiện “Tuần lễ học tập suốt đời”; trưng bày sách, tranh vẽ, phát động duy trì, phát triển văn hóa đọc, tạo sức lan tỏa đến đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Ninh Xá cho biết, không chỉ trong Tuần lễ học tập suốt đời, nhà trường thường xuyên xây dựng kế hoạch, phát huy hiệu quả hoạt động thư viện, duy trì tủ sách lớp học; luân chuyển sách trong trường, giữa các lớp với Trung tâm học tập cộng đồng, tạo dựng thói quen đọc sách cho học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh hào hứng với giờ đọc sách. |
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN |
Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh cho biết, việc khuyến khích học sinh đọc sách được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng như: đọc sách tại thư viện, khuyến khích các lớp học tổ chức buổi đọc sách tại khuôn viên. Đặc biệt, nhà trường đã phát động phong trào học tập suốt đời không chỉ cho học sinh trên lớp mà còn đẩy mạnh đọc sách ở gia đình, khuyến khích học sinh tương tác, đọc sách cùng gia đình. Từ đó, học tập suốt đời sẽ lan tỏa ở phạm vi gia đình và xã hội. Nhà trường khuyến khích các lớp xây dựng video, chùm ảnh về phong trào đọc sách...
* Nhân lên xã hội học tập
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Ngọc cho biết, hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời và thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập”, những năm qua, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chế độ chính sách khuyến học, khuyến tài. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ tới làng xã, từng gia đình, dòng họ, hình thành phong trào tự học, học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua mô hình “Công dân học tập”.
Năm 2023, toàn tỉnh có 81,31% gia đình đạt “Gia đình học tập”, 74,75% cộng đồng đạt “Cộng đồng học tập”, 98,99% đơn vị đạt “Đơn vị học tập”. Ở tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiêu biểu như: Phong trào “Tiếng trống khuyến học ban đêm” của huyện Yên Phong; thành phố Bắc Ninh xây dựng “Quy ước quản lý học sinh ngoài nhà trường”; huyện Gia Bình có quy ước thôn, làng, khu phố thực hiện “5 không”.
Ngoài những gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, Bắc Ninh có những làng, xã được gọi là “Làng Đại học” như các làng Đại Mão (xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành), Mão Điền (thị xã Thuận Thành), Tam Sơn (thành phố Từ Sơn); Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong), Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong).
Bắc Ninh đã xây dựng Quỹ Khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà và Quỹ khuyến học, khuyến tài của các huyện, thị xã, thành phố, hàng năm trao thưởng cho hàng chục nghìn lượt học sinh đạt thành tích cao trong học tập, trao học bổng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Bắc Ninh hào hứng với giờ đọc sách. |
Ảnh: Thanh Thương- TTXVN |
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà của tỉnh Bắc Ninh luôn nằm trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2024, học sinh Bắc Ninh đạt 79 giải, trong đó có 11 giải Nhất, 23 giải Nhì, 28 giải Ba và 17 giải Khuyến khích; đứng thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải. Bắc Ninh có 15 học sinh được triệu tập dự thi vòng 2 chọn học sinh tham gia thi các giải quốc tế và khu vực.
Tỉnh có 3 học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế và cả ba đều đoạt giải gồm: 1 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Đồng. Đây cũng là năm học thứ 3 liên tiếp Bắc Ninh có học sinh dự thi quốc tế, đoạt giải. Trong Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024, Bắc Ninh có điểm trung bình các môn đạt 7,21 điểm, đứng thứ 5 toàn quốc. Toàn tỉnh có 7/9 môn xếp trong top 10 toàn quốc về điểm trung bình.
Tuần lễ học tập suốt đời diễn ra từ ngày 1-7/10, tỉnh tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về phong trào học tập suốt đời; trưng bày các mô hình khuyến học, phát triển văn hóa đọc..., góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của cộng đồng với phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời. Đồng thời, lan tỏa phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong dó đọc sách là một hoạt động học phổ biến và có hiệu quả, giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy, cải thiện, phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp; phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, chủ động học thường xuyên, liên tục và suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập./.