Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mô hình nuôi vịt biển của anh Trần Ngọc Trà cho thu nhập cao
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thời gian qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng, góp phần tích cực công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

*“Cần câu” phát triển kinh tế hộ gia đình

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình hỗ trợ giống vịt biển 15 Đại Xuyên cho nông dân xã Đông Xuyên (huyện Tiền Hải) để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Anh Trần Ngọc Trà, thôn Hải Long, xã Đông Xuyên là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Trà có thêm nguồn vốn để phát triển mô hình sản xuất của gia đình. Từ mô hình thử nghiệm, đến nay đàn vịt biển của anh đã phát triển lên 800 con. Anh cũng là một trong những hộ điển hình tham gia Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên với sản phẩm trứng vịt biển Đông Xuyên đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, anh Trà còn kết hợp nuôi tôm, cá… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

Anh Trần Ngọc Trà cho biết, với người nông dân khó khăn nhất là nguồn vốn để phát triển sản xuất. Nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay giải quyết việc làm với lãi suất 7,92%/năm, tương đương lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, như “cần câu” giúp anh Trà giải quyết một phần khó khăn về nguồn vốn cũng như giảm áp lực từ việc vay vốn bằng lãi suất ưu đãi, từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Cũng như anh Trà, anh Phan Quốc Cường (xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương) là một trong những đại điền trẻ nhất của tỉnh Thái Bình. Với mong muốn “hồi sinh” những cánh đồng hoang hóa, anh Cường đã thuê lại gần 50 mẫu ruộng của nông dân để canh tác lúa. Thông qua chương trình vay vốn giải quyết việc làm và vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền vay 120 triệu đồng, anh Cường đã đầu tư công trình nước sạch phục vụ gia đình và mua thêm máy móc, phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đến nay, mô hình canh tác lúa kết hợp chăn nuôi bê, bò thương phẩm của anh Cường cho thu nhập 600 triệu đồng/năm.

Anh Phan Quốc Cường (xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương) thu hoạch lúa vụ Xuân 2024
Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Bà Trần Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Xương cho biết, với đặc trưng hoạt động riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội là “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, để giúp người dân tiếp cận được chính sách, tại các điểm giao dịch xã trong hệ thống Ngân hàng Chính sách đều thực hiện niêm yết công khai chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng ưu đãi, cũng như các nội quy, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, danh sách người vay vốn, hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được biết, kiểm tra, giám sát với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ đó, những năm qua người dân trên địa bàn huyện Kiến Xương chủ động, thuận lợi trong tiếp cận các chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

*Giúp người dân tiếp cận chính sách

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình, đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn trên địa bàn đạt trên 4.400 tỷ đồng (tăng 2.336 tỷ đồng so với năm 2014). Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt trên 1.800 tỷ đồng (chiếm 40,61% tổng dư nợ, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2014); dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt trên 2.635 tỷ đồng (chiếm 59,39% tổng dư nợ, tăng gần 1.300 tỷ đồng so với năm 2014). Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với tỷ lệ trên 92%. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao; có 179/260 xã; 1.585/2.705 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.

Ông Lê Hải Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hoạt động tín dụng chính sách tại hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã góp phần tích cực giúp trên 111.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm trên 61.000 lao động; giúp 121.630 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trang trải chi phí học tập. Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay xây dựng trên 464.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 5.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách… Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 1,82%.

Tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ nhiều hộ dân thoát nghèo
Ảnh minh họa: Thế Duyệt - TTXVN 

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Với phương thức này, các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy được thế mạnh, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương chính sách cũng như các hoạt động thành lập, quản lý giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương.

Đến 30/4/2024, bốn tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý trên 97.400 khách hàng vay vốn với tổng số tiền trên 4.400 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là dư nợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ với trên 1.869 tỷ đồng, tăng 1.015 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 42,17% tổng dư nợ ủy thác.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian tới, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, góp phần mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, tổ chức được tiếp cận với nguồn vốn vay./.

Tin liên quan

Lan tỏa dòng tiền đến doanh nghiệp

Nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn tương đối yếu, do đó Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Từ đó, lan tỏa dòng tiền đến người dân, doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế.

Tin cùng chuyên mục

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự diễn đàn liên đảng quốc tế BRICS+

Từ ngày 16-19/6 tại Vladivostok, Liên bang Nga, trong khuôn khổ chương trình năm Nga làm Chủ tịch BRICS 2024, đảng Nước Nga Thống nhất đã tổ chức Diễn đàn liên đảng quốc tế BRICS+ với chủ đề “Đa số toàn cầu vì một thế giới đa cực” và Hội nghị bàn tròn bên lề diễn đàn này với chủ đề “Vai trò của các lực lượng chính trị có trách nhiệm của Nga và các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc bảo đảm an ninh tài chính - kinh tế của các quốc gia có chủ quyền”. Tham dự diễn đàn có khoảng 150 đại biểu đến từ 32 nước và các chính đảng.

Đằng sau 'cây kim trong bọc'

Vừa bị mất số tiền lớn vào tay tội phạm, vừa bị mất chức, đó là một câu chuyện “bi hài” mới xảy ra ở Đồng Nai. Qua đây, vấn đề kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên và xử lý tài sản bất minh một lần nữa lại được xới lên.

Lan tỏa dòng tiền đến doanh nghiệp

Nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn tương đối yếu, do đó Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều giải pháp kích thích nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Từ đó, lan tỏa dòng tiền đến người dân, doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế.

Đại sứ Đặng Minh Khôi: Quan hệ Việt Nam - LB Nga tiếp nối xứng đáng truyền thống tốt đẹp

Quan hệ Việt Nam - LB Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Nhìn lại hơn hai thập kỷ qua, hai nước có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được khi quan hệ ngày càng phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu