Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương
Sáng 2/4, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ mười ba, xem xét, cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều hành Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Tại Hội nghị, Thường vụ Quân ủy Trung ương báo cáo nội dung Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới nhằm thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương

Tại Hội nghị, các ý kiến thảo luận cho ý kiến vào Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ trong tình hình mới đã tập trung đi sâu phân tích, làm rõ phạm vi, quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu của Đề án; những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh, Đề án về tổ chức quân sự địa phương “tinh, gọn, mạnh” đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ trong tình hình mới phải phù hợp với các Chiến lược về quân sự, quốc phòng và đường lối quân sự quốc phòng.

Tổng Bí thư khẳng định, về quan điểm cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt mà thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kế thừa quan điểm và tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đã được xác định trong các nghị quyết, kết luận của Đảng; bảo đảm Quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở kết quả thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tiếp tục sắp xếp các tổ chức quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; bảo đảm “tinh - gọn - mạnh” hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian, thực sự là nòng cốt trong xây dựng và thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.Tổng Bí thư yêu cầu, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức cơ quan quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh qua các thời kỳ và truyền thống lịch sử, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời bình, sẵn sàng mở rộng lực lượng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, quá trình điều chỉnh, thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với đặc thù, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của quân đội.Về nguyên tắc, Tổng Bí thư chỉ rõ, sắp xếp theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước; sắp xếp các Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh theo các tỉnh được sáp nhập. Quá trình điều chỉnh mang tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Bảo đảm được sự chỉ huy, thống nhất trong xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn, vững chắc, giữ được sự ổn định; sau điều chỉnh bảo đảm hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tổng Bí thư đề nghị, về mục tiêu, tiếp tục sắp xếp tổ chức quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng phù hợp với hệ thống; với quan điểm đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Xây dựng tổ chức quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có cơ cấu tổ chức hợp lý, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ liên hoàn, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Uzbekistan

Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn lên đường tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan, Chủ tịch Hội Hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam, ông Alisher Rustamovich Mukhamedov, đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những kỳ vọng đối với quan hệ song phương.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Cơ hội để Việt Nam vươn mình

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mở ra cơ hội để Việt Nam vươn lên nhờ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên để thành công, Việt Nam cần phải có một kế hoạch toàn diện, tầm nhìn dài hạn, với sự vào cuộc của nhiều bộ ngành và thành phần kinh tế trong xã hội. Đây là tuyên bố được ông Hà Sơn Tùng- chuyên viên cao cấp, Phó Trưởng khoa công nghệ quang học tiên tiến, Viện Hàn lâm Khoa học Singapore, A*STAR đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore.