Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp Olivier Brochet
Chiều 17/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.

Tổng Bí thư đánh giá cao tình cảm và những đóng góp của Đại sứ Olivier Brochet dành cho đất nước, con người Việt Nam, cũng như cho việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Pháp. Tổng Bí thư nhấn mạnh việc Pháp là thành viên EU đầu tiên trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam là minh chứng sinh động cho thấy Việt Nam coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Pháp; đề nghị Pháp, với vai trò là thành viên chủ chốt và có tiếng nói trong EU, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - EU nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Tổng Bí thư cho rằng hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương và mở cửa hơn nữa thị trường mỗi bên, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng gia tăng. Tổng Bí thư nhất trí với các đề xuất của Đại sứ Pháp về việc triển khai hiệu quả và tận dụng tốt các cơ hội to lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh hai bên như cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hàng không vũ trụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Nhân dịp này, Tổng Bí thư đề nghị hai nước tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như y tế, văn hoá, bảo tồn, bảo tàng, ký ức lịch sử - lưu trữ, hợp tác giữa các địa phương…

Đại sứ Olivier Brochet cảm ơn Tổng Bí thư đã dành thời gian tiếp; đề nghị hai nước tiếp tục có những bước triển khai cụ thể để đưa khuôn khổ hợp tác mới đi vào chiều sâu, thiết thực; nhấn mạnh Pháp mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển mới trong thời gian tới; khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên quan trọng của Pháp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện qua các chuyến thăm, trao đổi đoàn các cấp ngày càng trở nên sôi động và các cơ chế hợp tác Việt Nam - Pháp ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Đại sứ Pháp cho biết sẽ thúc đẩy Quốc hội Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định này, cũng như thúc đẩy EC gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Đại sứ Pháp nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thượng tôn luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức toàn cầu. Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ Pháp nhấn mạnh Pháp và EU ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải tại khu vực./.

Tin liên quan

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Trưa 14/4, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali

Chiều 15/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, Chủ tịch Đảng Thịnh vượng (PP) Abiy Ahmed Ali đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 lần thứ tư (P4G) từ ngày 14 - 17/4/2025.

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD

Ngày 17/04, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Cơ quan Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

GGGI huy động 1 tỷ USD tài chính xanh cho Việt Nam

Sáng 17/4, tiếp ông Sang-Hyup Kim, Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh việc GGGI đặt mục tiêu huy động thêm 1 tỷ USD tài chính xanh cho Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2028.

Đẩy mạnh phòng, chống vi phạm IUU trên vùng biển Tây Nam

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, thời gian gần đây, tình trạng tàu cá Việt Nam vượt ranh sang vùng biển nước ngoài và bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt, xử lý đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU, nhất là vi phạm về sử dụng thiết bị VMS còn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Triển lãm “Bình Thuận - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”

Hòa trong không khí cả nước vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận (19/4/1975 ), sáng nay, tại Bình Thuận, , Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức hoạt động Triển lãm ảnh, kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm thương mại - du lịch với chủ đề: “Bình Thuận - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 được tổ chức từ ngày 17 đến 20/4/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.  

Việt Nam nằm trong 21 quốc gia đã thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột

Việt Nam là 1 trong số 21 quốc gia đã thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột. Lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam được Bộ Y tế tổ chức tại Bệnh viện Mắt Trung ương ngày 14/4/2025. Nhiều thập kỷ qua, ngành y tế đã chỉ đạo triển khai quyết liệt Chiến lược SAFE do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bao gồm: Phẫu thuật (Surgery), Kháng sinh (Antibiotics), Rửa mặt (Face Washing) và Cải thiện môi trường sống (Environmental Improvement). Chiến lược này đã được thực hiện bài bản, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Quá trình triển khai trải qua nhiều giai đoạn khảo sát, điều tra, can thiệp tại các khu vực lưu hành bệnh, với sự tham gia tích cực của mạng lưới y tế từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, các cuộc điều tra và giám sát tác động được thực hiện liên tục trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2023 đã tạo cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc xác nhận thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam theo tiêu chuẩn, tiêu chí khắt khe của Tổ chức Y tế Thế giới.

PAPI 2024: Cải thiện lớn nhất vẫn ở nội dung Cung ứng dịch vụ công

Sáng 15/4/2025, Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024 đã được tổ chức tại Hà Nội. Kết quả phân tích dữ liệu Chỉ số PAPI 2024 có những chuyển biến tích cực, đặc biệt ở nội dung Cung ứng dịch vụ công. Chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” đo lường mức độ hiệu quả cung ứng bốn dịch vụ công căn bản cho người dân, gồm: Y tế công lập, Giáo dục tiểu học công lập, Cơ sở hạ tầng căn bản và An ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư. Thông qua khảo sát PAPI, người dân đánh giá mức độ thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công, chất lượng và mức độ sẵn có của các dịch vụ công căn bản từ cấp xã/phường, quận/huyện đến tỉnh/thành phố dựa trên trải nghiệm thực tế của bản thân và gia đình họ.