Trà Vinh có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên
Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân 2 huyện có bước tiến vượt bậc, được nâng cao toàn diện; kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến tích cực.
Lãnh đạo huyện Cầu Kè đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ngày 2/8, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 2 huyện Tiểu Cần và Cầu Kè. Đây là 2 huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Huyện Tiểu Cần cách trung tâm thành phố Trà Vinh 24 km, dân số trên 108.000 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 30%. Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Trà Vinh.

Hiệu Cầu Kè cách trung tâm thành phố Trà Vinh 40 km, dân số trên 103.500 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 32,2%. Cầu Kè là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi cộng cư lâu đời của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Đây cũng là quê hương của nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), tấm gương tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam với tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân 2 huyện có bước tiến vượt bậc, được nâng cao toàn diện; kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến tích cực.

Đến nay, thu nhập bình quân theo đầu người của huyện Tiểu Cần đạt trên 76 triệu đồng/người/năm, tăng 34,5 triệu đồng so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,55%. Huyện đang phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV, trở thành thị xã trực thuộc tỉnh và trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội thuộc khu vực phía Tây của tỉnh Trà Vinh.

Huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt hơn 71 triệu đồng/người/năm, tăng 11,67 triệu đồng/người/năm so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,58%. Kinh tế địa phương luôn duy trì tốc độ khá, hơn 99% người dân địa phương hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.

 Huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới.
Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Tại lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khẳng định, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thường xuyên và liên tục, nhằm phát triển nông thôn bền vững. Vì vậy, 2 địa phương phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí gắn với phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân làm chủ thể, hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Hai huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, khai thác các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; góp phần phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và giá trị xã hội.

Huyện Tiểu Cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, bản sắc văn hóa và các yếu tố tích cực trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Huyện nhân rộng và lan tỏa các mô hình hay, tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Huyện Cầu Kè phát huy lợi thế du lịch đa dạng về sinh thái, miệt vườn, cù lao, cây trái; loại hình du lịch gắn với các lễ hội dân gian; du lịch văn hóa - lịch sử… Địa phương cũng cần định hướng nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn. Đặc biệt, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; phấn đấu trở thành trung tâm nông sản của tỉnh.

Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tiểu Cần đón nhận Bằng công nhận nông thôn mới nâng cao. 
Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Hai huyện Tiểu Cần và Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là tiền đề để tỉnh Trà Vinh tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2024. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 51 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở 2 địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Phát triển kinh tế thị trường: Dấu ấn đổi mới của Việt Nam

Với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam trong số các nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh trong 10 năm tới

Trong 10 năm tới, 6 nền kinh tế hàng đầu ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore, sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 5,1%. Đây là dự báo của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), công ty tư vấn Bain & Company và Hội đồng Angsana đưa ra trong báo cáo công bố ngày 1/8.

Luật đất đai 2024 mang lại nhiều quyền lợi cho người sử dụng đất

Ngày 01/8 Luật đất đai 2024 chính thức có hiệu lực. Đồng nghĩa với những chính sách quản lý đất đai mới với nhiều điểm có lợi cho người dân cũng chính thức được kích hoạt. Một trong những chính sách được trông đợi nhất là quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Khơi dậy tiềm năng của đất - Bài cuối: Gắn kết với quê hương

Luật Đất đai 2024 không chỉ mang đến những kỳ vọng về tăng cường thu hút nguồn vốn, đầu tư của kiều bào về cho đất nước, mà còn thể hiện rõ chủ trương, đường lối của Đảng về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương đất nước, đóng góp tích cực xây dựng Tổ quốc.

Khơi dậy tiềm năng của đất - Bài 1: Lan tỏa làn gió mới

Luật Đất đai sửa đổi 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, qua đó khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.