Trách nhiệm, bài bản khi tái khởi động dự án điện hạt nhân
Hạ tầng, tài chính, nhân lực, các yếu tố an toàn hạt nhân và vấn đề pháp lý... là những nhiệm vụ cần được Việt Nam xúc tiến đồng thời và nhanh chóng, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau nhiều năm tạm dừng.

Quyết nghị này đã được đưa ra sau nhiều cân nhắc thận trọng, trên nền tảng những phân tích triệt để, toàn diện về lợi ích của điện hạt nhân, cũng như giải pháp cho các vấn đề liên quan.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 27/11/2024, Quốc hội Nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Nhiệm vụ trước mắt của các bộ, ban, ngành, địa phương là nhanh chóng, bài bản tái khởi động các chiến lược về điện hạt nhân trước đó, tiếp thu kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và tận dụng nền tảng khoa học công nghệ hiện nay, tuân thủ hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), để đảm bảo cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tài chính và các cơ chế an toàn hạt nhân phục vụ tái khởi động dự án này.

Để chương trình điện hạt nhân được tiếp tục, điều đầu tiên là các yếu tố pháp lý. Việt Nam đã có Luật Năng lượng Nguyên tử (2008) và một số văn bản pháp quy về triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt là nội dung về điện hạt nhân cần được ghi nhận trong Luật Điện lực (sửa đổi) sắp tới. Bộ Công thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát tổng thể các nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường. Bộ cũng cần rà soát các vướng mắc pháp lý trong các dự án điện, để đề xuất, tổng hợp nội dung vào dự án một luật sửa nhiều luật. Bản thân Luật Năng lượng nguyên tử cũng cần được giải quyết một số điểm nghẽn về quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia; về chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân; về Ban quản lý dự án điện hạt nhân, nhà thầu xây lắp... Các quy định pháp lý là cơ sở để triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, cho trước mắt và lâu dài.

Một trong các nhiệm vụ cần sớm triển khai, là thành lập bộ phận nhân sự trực thuộc Chính phủ về điện hạt nhân. Đây cũng là kinh nghiệm từ các quốc gia dẫn đầu về điện hạt nhân như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada... trong đó, có quốc gia châu Á là Hàn Quốc. Cách đây gần 60 năm, quốc gia này đã ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và thành lập Ban Năng lượng nguyên tử. Đến nay, sở hữu 27 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất điện hạt nhân khoảng 31,65 gigawatt (GW), Hàn Quốc đã đầu tư để năng lượng hạt nhân trở thành một thành phần thiết yếu của nền kinh tế, và giá điện hạt nhân thấp hơn khoảng 3 lần so với năng lượng tái tạo. Với Việt Nam, bộ phận nhân sự phát triển điện hạt nhân cần đảm bảo quy tụ được các chuyên gia hàng đầu, đa lĩnh vực, từ luật pháp tới các chính sách thương mại, kỹ thuật, công nghệ, môi trường..., để tham mưu, điều hành và đôn đốc thực hiện dự án một cách hiệu quả.

Về hạ tầng xây dựng, hiện tại nước ta đã xác định 2 địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, theo IAEA, có tới 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được đảm bảo. Bên cạnh đó, có tới 20 yêu cầu về hạ tầng với an ninh hạt nhân. Trong đó, phải kể tới: Chính sách và chiến lược quốc gia; Chế độ an toàn hạt nhân toàn cầu; Khuôn khổ luật pháp; Các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật bên ngoài; Bảo vệ bức xạ; An toàn trong quản lý và điều kiện hóa chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân… Như vậy, nhiệm vụ còn rất bề bộn, đòi hỏi đầu tư cả về công sức, trí tuệ và tài chính.

Vấn đề an ninh của điện hạt nhân là yêu cầu hàng đầu và là nội dung được nhiều người dân quan tâm. Các phân tích khoa học cho thấy, điện hạt nhân rất an toàn so với nhiều dạng năng lượng điện khác. Công nghệ hiện đại cũng đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân khó xảy ra sự cố. Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cũng đã xây dựng đội ngũ nghiên cứu về công nghệ và lựa chọn các lò đảm bảo an toàn. Việt Nam cũng đã gia nhập các công ước quốc tế để đảm bảo đáp ứng tốt về an toàn hạt nhân. Những động thái này thể hiện trách nhiệm cao của Đảng và nhà nước ta trong an toàn, an ninh hạt nhân, không chỉ với đất nước và nhân dân Việt Nam, mà còn với cả các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Lần đầu triển khai lĩnh vực mới, hệ trọng, nên đội ngũ thực thi là một yêu cầu tiên quyết. Từ nhiều năm trước, hàng trăm cán bộ đã được gửi đi đào tạo tại Liên Xô (cũ), Nga, Nhật Bản và các nước khác theo Đề án 1558. Trong nước, chương trình đào tạo ngành hạt nhân được bắt đầu từ năm 2010. Đến nay, khi chính thức bước vào phát triển điện hạt nhân, chúng ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề đội ngũ nhân lực. Do vậy, các chương trình đào tạo cần được ngành Giáo dục đẩy mạnh hơn nữa, có chiến lược rõ ràng và tham mưu các chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Như vậy, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực. Do điện hạt nhân là lĩnh vực đa ngành, nên việc phát triển điện hạt nhân cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam phát triển các công nghệ kỹ thuật nền tảng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đầu tư điện hạt nhân cần nguồn lực tài chính mạnh. Các dự án điện hạt nhân về cơ bản thường đi kèm những gói tài chính cho vay và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc cân đối ngân sách cho mục tiêu lâu dài bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. Kinh nghiệm của một số quốc gia là có sự phối hợp giữa chương trình điện hạt nhân và chương trình mục tiêu phát triển quốc gia, tạo nguồn lực tài chính ổn định cho điện hạt nhân.

Với quá trình nghiên cứu, chuẩn bị lâu dài, thận trọng, cộng với những hợp tác hiệu quả của các đối tác, các cường quốc hạt nhân, của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, có thể nói, đến nay, thời điểm triển khai điện hạt nhân tại Việt Nam đã chín muồi. Cùng với các cam kết tầm vĩ mô về phát triển điện hạt nhân vì mục đích hoà bình, với sự đầu tư liên tục cả về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và nhân lực, cùng sự chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân…, tin tưởng rằng dự án điện hạt nhân của Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, chắp cánh cho kinh tế- xã hội của đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên (461/463 đại biểu tham dự tán thành); Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (458/461 đại biểu tán thành); Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng (454/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành).

Cần có phương án sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư khi tinh gọn bộ máy

Ngày 29/11, theo Chương trình của kỳ họp 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật như: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kế toán sửa đổi; Luật Đầu tư công sửa đổi...Bên hành lang quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm vấn đề tinh gọn bộ máy, coi đây là cuộc ‘Cách mạng’ - mở ra chương mới cho quản trị quốc gia.

Quốc vương Campuchia thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneat Norodom Sihamoni đã đến thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 28 và 29/11/2024. Chiều 28/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã chủ trì Lễ đón Quốc vương Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

Chiều ngày 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt chào mừng Quốc vương Norodom Sihamoni sang thăm Việt Nam, mang đến cho nhân dân Việt Nam những tình cảm thắm thiết và gửi lời chúc sức khỏe Hoàng Thái Hậu, Chủ tịch Thượng viện Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary, Thủ tướng Hun Mannet và các nhà lãnh đạo Campuchia.

Kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận Tàu Không số

Ngày 28/11, tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm: Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên từ Tàu Không số - 28/11/1964. Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.