Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu trí thức, nhà khoa học dự Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, ngày 30/12/2024. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại quan điểm “Thà ít mà tốt” của V.I. Lênin khi nói về cải tiến bộ máy nhà nước, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu: Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh… Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ban, ngành và địa phương.
Nghị định trên đưa ra 8 nhóm chính sách: Chính sách áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn; chính sách đối với người đi công tác ở cơ sở; chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp; chính sách, chế độ đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang.
Có thể nói, đây là những chính sách mang tính đột phá để giải quyết những vấn đề không phải là mới nhưng vẫn tồn tại nhiều năm qua vì “đụng chạm” đến lợi ích của nhiều tập thể, cá nhân. Mục tiêu cắt giảm 20% biên chế mà nghị định trên đưa ra cũng rất quyết liệt, đồng thời là lời đáp trả thực tế nhất đối với luồng ý kiến cho rằng tinh gọn bộ máy hiện nay là câu chuyện “bình mới rượu cũ”.
Tất nhiên, với sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” của cả hệ thống chính trị hiện nay, tâm tư là điều khó tránh khỏi. Nhưng tất cả đều hiểu rằng, tinh gọn bộ máy là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên.
Đổi lại, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cũng đề cao việc rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để sắp xếp, bố trí công việc tương xứng với năng lực, phẩm chất. Suy cho cùng, ở thời điểm nào cũng vậy, con người vẫn là khâu “then chốt” nhất; bộ máy dù có tinh gọn đến mấy, nếu không có người vận hành tốt thì hiệu quả hoạt động cũng bị hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc “loại bỏ người lười biếng trong bộ máy”, thì cũng cần “thu hút người tài vào trong nền hành chính công” - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị định quy định 6 nhóm chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công, gồm: Chính sách ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức; chính sách trợ cấp thu hút lần đầu sau tuyển dụng; chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng; chính sách về điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc; chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng; chính sách hỗ trợ đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài.
Nghị định quy định cụ thể về tiền lương, chính sách trợ cấp đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng… khi được tuyển dụng vào công chức, viên chức. Lấy ví dụ, đối với sinh viên xuất sắc, ngoài việc được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, thì còn được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng. Hay đối với chuyên gia, mức tiền lương cơ bản thấp nhất (chưa bao gồm phụ cấp) cho trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên chính hoặc tương đương được hưởng là 41,184 triệu đồng/tháng; trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được hưởng là 58,032 triệu đồng/tháng.
Trước đây, cơ chế thu hút nhân tài đã được một số địa phương như TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng áp dụng, tạo nên làn sóng dịch chuyển chất xám mạnh mẽ tới các “thành phố đáng sống” này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một cơ chế chung trên toàn quốc, mang tính đột phá, nổi trội về thu hút, trọng dụng người tài làm việc trong bộ máy nhà nước. Vấn đề còn lại là làm sao tổ chức thực hiện cho hiệu quả, trong đó cần chú trọng công tác đánh giá cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ để tránh bỏ sót người có năng lực, bởi nếu không sẽ dễ rơi vào cái vòng luẩn quẩn là lại “cào bằng”, làm “thui chột tài năng”, rồi “chảy máu chất xám”… Cần sắp xếp làm sao tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”, lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công.
Dân tộc ta từ xưa đến nay luôn trân trọng hiền tài, coi hiền tài là báu vật của đất nước, “là nguyên khí của quốc gia”, quyết định đến sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Trong bối cảnh đất nước cần những bước đi dũng mãnh, đột phá như hiện nay, lại càng đòi hỏi sự chung tay gánh vác của những bậc “hào kiệt” để biến những kỳ vọng lớn lao trở thành hiện thực.