Tri ân quá khứ, vun đắp tương lai
Trong những ngày tháng tư lịch sử này, tự hào, xúc động và biết ơn có lẽ là những cảm xúc chủ đạo trong lòng của mỗi người mang trong mình dòng máu Việt.

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) là dịp để cả dân tộc cùng nhìn lại hành trình nửa thế kỷ xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình, độc lập. Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm trọng thể này, Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ thể hiện lòng tri ân sâu sắc với các thế hệ cha anh, mà còn nhấn mạnh quyết tâm của Đảng trong chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân.

Tổng Bí thư đã trân trọng dành những lời mở đầu bài diễn văn để tưởng nhớ, tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước, những người đã cống hiến, hy sinh để thế hệ hôm nay và mai sau được sống, được làm việc, được phát triển trong hòa bình, độc lập.

Đây không chỉ là lời tri ân nhân dịp một cột mốc 50 năm trọng đại, mà còn là lời khẳng định rằng, những thành quả ngày hôm nay được xây dựng từ máu xương của hàng triệu người đi trước. Sự tri ân này không chỉ nằm ở lời nói, mà thể hiện bằng hành động cụ thể.

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Từ lâu, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thiết thực để chăm lo cho thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công, như pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; chính sách hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, giáo dục - đào tạo, việc làm cho người có công và thân nhân; các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sinh kế bền vững...

Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh việc chăm lo đời sống cho đồng bào vùng căn cứ cách mạng, vùng kháng chiến cũ, cho thấy chính sách tri ân không chỉ hướng đến cá nhân mà còn đến cả cộng đồng từng đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong bài phát biểu của mình ngày Đại lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm trích lại lời Bác trước lúc đi xa: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Đó là một lời nhắc nhở quan trọng, là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục hành động vì mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những năm qua, các chủ trương lớn như: phát triển y tế cộng đồng, phổ cập giáo dục, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người có công, người yếu thế… đều phản ánh rõ triết lý phát triển vì dân. Trong các văn kiện của Đảng, quan điểm phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau được khẳng định là nguyên tắc căn bản trong mọi chính sách kinh tế - xã hội.

Không dừng lại ở chủ trương, những chính sách vì dân đã được hiện thực hóa bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách cụ thể. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh một loạt nội dung thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong chăm lo an sinh xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN

Một trong số đó là chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước từ năm học 2025 - 2026. Chính sách này thể hiện quyết tâm không để bất kỳ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau vì hoàn cảnh kinh tế. Đây không chỉ là đầu tư cho tương lai đất nước, mà còn là bảo đảm quyền học tập cho mọi người dân.

Về chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát và phát triển nhà ở xã hội, theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến ngày 26/4, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 208.357 căn. Với hàng triệu người dân thu nhập thấp, có được một căn nhà vững chắc là niềm mơ ước. Do đó, chính sách của Đảng đã giúp nhiều người trong số họ “an cư” và tạo chỗ dựa để “lạc nghiệp”.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Đồng Văn (Hà Giang) hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: TTXVN phát

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân và hướng tới miễn viện phí, đây là quyết tâm thể hiện trách nhiệm cao nhất của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm quyền được sống khỏe, sống an toàn của mỗi người dân - một điều phản ánh bản chất nhân văn của Đảng.

Chính sự quan tâm toàn diện này, từ giáo dục, y tế, nhà ở, đến an sinh, phúc lợi xã hội, đã làm nên một nền chính trị nhân văn, bền vững. Đó cũng là điểm khác biệt căn bản giữa mô hình phát triển của nước ta với các mô hình tăng trưởng chỉ thuần túy chạy theo GDP, bỏ rơi người yếu thế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hự. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sau 50 năm Việt Nam phát triển, quy mô nền kinh tế năm 2024 đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố. Quan hệ đối ngoại được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao.

Những lời trên của Tổng Bí thư trong buổi lễ không chỉ là một báo cáo tổng kết, mà còn gửi gắm trong đó một lời hiệu triệu - hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân cùng đoàn kết để giữ vững và phát huy thành quả đó trong tương lai.

Lời hiệu triệu ấy khơi gợi niềm tin trong lòng người dân: tin vào tương lai tươi sáng, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào một Nhà nước không chỉ quản lý mà thực sự chăm lo và phụng sự Nhân dân.

Trong bối cảnh quốc tế biến động phức tạp, xung đột, khủng hoảng lan rộng, người dân Việt Nam được sống trong hòa bình, ổn định, có công ăn việc làm, được hưởng giáo dục miễn phí, được chăm sóc y tế, được bảo vệ trước thiên tai, dịch bệnh. Đó là thành quả không dễ gì có được và đó là thành quả của cả một hệ thống chính trị lấy Nhân dân làm gốc.

Những chủ trương đúng đắn và những thành quả cụ thể đó cho thấy Đảng không chỉ lãnh đạo đất nước bằng lý trí, mà còn bằng cả trái tim.

Có thể nói bài diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm là một bản tuyên ngôn sâu sắc về sứ mệnh lịch sử của Đảng - sứ mệnh “vì dân”. Sống trong những ngày thấm đẫm niềm tự hào lịch sử, bài diễn văn như thể hiện một lời nhắn gửi: Tri ân quá khứ để cùng nhau vun đắp tương lai.

Tin cùng chuyên mục

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Ngày 30-4-1975: Non sông liền một dải

Ngày 30-4-1975, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng, tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây non sông Việt Nam liền một dải sau 30 năm đất nước bị chia cắt.

Tự hào là người Việt Nam

Mỗi người Việt Nam, dù ở đâu, cũng đều tự hào mình là con dân đất Việt, tự hào về một Việt Nam đang trên đà đổi mới, phát triển. Niềm tự hào đó chính là sức mạnh nội sinh, để mỗi người có thể góp sức mình làm “rạng danh đất nước” trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

50 năm đất nước nở hoa

Tròn nửa thế kỷ sau ngày toàn thắng 30/4/1975, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nền kinh tế nghèo nàn, hạ tầng lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động của khu vực, hội nhập sâu rộng với thế giới, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Bước chân Việt Nam rạng rỡ trên Quảng trường Đỏ

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, 68 sĩ quan Việt Nam đã mang theo trái tim yêu nước, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga. Tự hào góp mặt trong đội hình quốc tế, những bước chân Việt Nam hôm nay là tiếng nói của bản lĩnh, của hoài bão, của tình đoàn kết vững bền.

Hào hùng lễ diễu binh, diễu hành tại Trường Sa

Dưới cờ Tổ quốc thiêng liêng, các đơn vị tại đảo Trường Sa đã diễu binh, diễu hành biểu dương lực lượng, khẳng định quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.