Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, cô giáo trẻ Nguyễn Giáng Hương cho biết phong trào dạy và học tiếng Việt ở Bordeaux sôi nổi hơn nhiều so với các tỉnh thành khác ở Pháp, trừ Paris. Tiếng Việt không chỉ được giảng dạy trong cộng đồng mà cả ở trường đại học với nội dung đa dạng và phong phú. Lý do là ở đây có một cộng đồng người Việt rất đông đảo và cũng không ít những người bạn Pháp yêu tiếng Việt.
Hội hữu nghị Pháp-Việt ở Bordeaux đã duy trì việc dạy và học tiếng Việt từ 30 năm nay. Mỗi năm Hội tổ chức 4-5 lớp, thu hút 40-50 học viên, chia làm nhiều trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp, dành cho người lớn và cả trẻ em. Ngoài ra, các cộng đồng khác như Hội Liên Việt, Ban trị sự chùa Liên Hoa, hay Hội Công giáo... cũng tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Việt thiện nguyện, chủ yếu cho các trẻ nhỏ từ 6-12 tuổi, con em người Việt tại Bordeaux và các vùng lân cận. Không chỉ dạy các con chào hỏi, các cô giáo còn dạy văn hóa Việt Nam, cũng như là những nét ứng xử giao tiếp của người Việt, với mục đích giúp các con, dù đi đâu cũng không quên được văn hóa Việt, giữ được cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam dù ở nước ngoài.
Với các học viên, mục đích đến với tiếng Việt cũng rất khác nhau. Chị Anne Rose, một Việt kiều Pháp, học tiếng Việt từ 10 năm nay, dù nói đã khá sõi, nhưng chị vẫn rất thích đến lớp. Chị cho biết vì có bố mẹ là người Việt và nhiều người thân ở Hà Nội không nói được tiếng Anh, tiếng Pháp nên chị muốn học nói tiếng Việt để có thể giao tiếp với mọi người trong gia đình. Anh Arnaud Jehanne, người Pháp, tuy diễn đạt còn khó khăn, nhưng cũng rất cố gắng thực hành tiếng Việt. Anh chia sẻ đã đi du lịch Việt Nam 5 lần và có một số bạn ở đó. Vì muốn giao tiếp với các người bạn ở Việt Nam nên anh đã quyết tâm học tiếng Việt và bây giờ anh đã có thể nói chuyện bằng ngôn ngữ này, dù chưa được sõi.
Nhận thấy cộng đồng người Việt tại Bordeaux và vùng Nouvelle Aquitaine khá đông đảo và nhu cầu học tiếng Việt khá cao, ban lãnh đạo Đại học Bordeaux Montagne đã quyết định đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của trường. Ông Antoine Ertlé, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ, tiếng Pháp và Pháp ngữ (CLEFF), thuộc Đại học Bordeaux Montaigne, cho biết với mục tiêu quảng bá các ngôn ngữ trên thế giới, cũng như đào tạo tiếng Pháp, trung tâm hiện đang giảng dạy 26 ngoại ngữ trong đó có tiếng Việt. Các chương trình bắt đầu từ sơ cấp đến nâng cao. Các học viên không chỉ được học ngôn ngữ mà học cả văn hóa Việt. Năm học này, để thu hút nhiều học viên hơn, trung tâm đã đưa chương trình đào tạo hỗn hợp, trực tiếp và trực tuyến, cho phép các học viên trong vùng và trên toàn nước Pháp có thể theo học từ xa mà không phải đến trung tâm.
Cũng theo ông Antoine Ertlé, việc trung tâm đưa vào giảng dạy tiếng Việt, một phần là nằm trong chiến lược thúc đẩy giảng dạy ngôn ngữ châu Á, một phần nữa là vì Bordeaux có một cộng đồng người Việt khá lớn, năng động. Bên cạnh đó, trung tâm có những giáo viên giảng dạy tiếng Việt có trình độ cao, có năng lực và phương pháp giảng dạy tốt, nên chương trình giảng dạy tiếng Việt đã được đưa vào từ năm 2018, khởi đầu bằng những lớp học buổi tối. Ông Antoine Ertlé hy vọng sau này có thể mở rộng chương trình đào tạo để cấp chứng chỉ đại học, thậm chí bằng cử nhân, giống như đã áp dụng với chương trình tiếng Hàn.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng mong muốn đẩy mạnh chương trình hợp tác trao đổi với các trường Việt Nam để có thể gửi các sinh viên sang Việt Nam thực tập tiếng Việt và đón các sinh viên Việt Nam đến với trung tâm để thực hành tiếng Pháp.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp do Đại sứ Đinh Toàn Thắng dẫn đầu, ông Antoine Ertlé bày tỏ hy vọng có thể tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trường ở Việt Nam để trao đổi sinh viên trong giai đoạn tới. Theo đánh giá của ông, trên thực tế, Bordeaux và vùng Nouvelle Aquitaine đã có truyền thống hợp tác lâu đời với các địa phương Việt Nam như tỉnh Lào Cai, trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch..., do đó việc tìm kiếm các đối tác đại học ở Việt Nam sẽ không phải là quá khó khăn đối với trung tâm.
Giới thiệu về bộ môn tiếng Việt ở Trung tâm CLEFF, giảng viên Cao Thu Thủy cho biết bộ môn được thành lập từ năm 2018. Trong 5 năm qua đã thu hút được khoảng 200 sinh viên đăng ký. Đối tượng học viên đa dạng, đa số học về ngôn ngữ. Ngoài ra, trung tâm còn thu hút cả những học viên khác là những người có chuyên ngành như lịch sử, kiến trúc, y khoa, và cũng có cả các giáo sư giảng dạy và doanh nhân tham dự khóa học.
Chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình dạy và học tiếng Việt, giảng viên Dương Hương Lan khẳng định một trong những thuận lợi đầu tiên, đó là tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và vùng Nouvelle Aquitaine rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, chuyển đổi kỹ thuật số, do đó có nhiều người quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt. Tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn của vùng cũng là một điều kiện thuận lợi vì có nhiều doanh nhân muốn sang làm ăn ở Việt Nam, và cơ hội hợp tác giữa hai nước ở phía trước còn rộng mở, dẫn đến nhu cầu học tiếng Việt cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn, trong đó đầu tiên phải kể đến hạn chế về nguồn tài liệu giảng dạy dành cho các đối tượng khác nhau. Do đó chị Hương Lan mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán cũng như các cơ quan có liên quan ở trong nước để có thể thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tốt hơn.
Cũng theo giảng viên Dương Hương Lan, ngoài việc giảng dạy tiếng Việt và quảng bá văn hóa cho doanh nhân và bạn bè Pháp, các giáo viên cũng chú trọng việc giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào các thế hệ thứ hai, thứ ba, sinh ra và lớn lên tại Pháp. Chị cho biết, hiện khoa đang nỗ lực làm việc để mở các lớp tiếng Việt cho trẻ em, cho những người quan tâm tiếng Việt và văn hóa Việt. Chị hy vọng việc giảng dạy này giúp cho các em thấm nhuần nên văn hóa Việt Nam và không thể nào quên cội nguồn của mình.
Bày tỏ nguyện vọng của đội ngũ giảng viên tiếng Việt tại CLEFF, chị Nguyễn Quỳnh Giang cũng mong muốn tăng số lượng sách ở thư viện để sinh viên tham khảo và đề nghị mở rộng việc dạy tiếng Việt chuyên ngành luật, kiến trúc và y khoa để thu hút thêm sinh viên các trường khác đến với bộ môn này.
Ngôn ngữ là hồn cốt của dân tộc. Tiếng Việt còn thì đất nước còn. Xin cảm ơn các thầy cô giáo đã và đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn để gieo mầm con chữ, giữ gìn và lưu truyền tiếng mẹ đẻ trong các thế hệ con em kiều bào tại Pháp, đồng thời quảng bá tiếng Việt tới bạn bè Pháp và quốc tế./.
Nguyễn Thu Hà