Việt Nam đề xuất xây dựng mô hình hợp tác liên khu vực |
Lãnh đạo các nước hoan nghênh triển khai nghiên cứu khả thi về Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-GCC; nhất trí về các định hướng thúc đẩy kết nối thị trường, tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại, hạ tầng logistics, du lịch, lao động, phát triển công nghiệp Halal, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng, đồng thời khai thác tiềm năng hợp tác các lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác, hợp tác du lịch, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, thúc đẩy kết nối giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu. Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Hội nghị chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp tại Dải Gaza, kêu gọi các bên ngừng bắn, chấm dứt các hành vi bạo lực, khẳng định ủng hộ tiến trình hòa bình, Nhà nước Palestine độc lập và giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh hàng hải, thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thúc đẩy hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tiềm năng hợp tác và đề xuất ASEAN và GCC cần cùng nhau định hình, kiến tạo một mô hình hợp tác liên khu vực thế hệ mới trên cơ sở chân thành, thực chất, toàn diện và gắn kết và hiệu quả hơn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác phát triển, tăng cường lợi ích hài hòa giữa hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển chung của hai khu vực và thế giới. Thủ tướng kêu gọi ASEAN và GCC tăng cường kết nối chiến lược, thúc đẩy hợp tác thực chất, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Thủ tướng đề xuất hai bên sớm thiết lập một thỏa thuận hợp tác kinh tế chung mang tính linh hoạt; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thông thoáng, thúc đẩy dòng vốn, công nghệ và sáng kiến; đưa các lĩnh vực tăng trưởng xanh và bền vững trở thành trụ cột hợp tác mới của quan hệ vì tương lai của nhân dân hai khu vực, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng bền vững, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, thị trường thực phẩm Halal, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Trên tinh thần đồng hành và kiến tạo, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước thúc đẩy hợp tác cụ thể về phát triển hạ tầng số 5G, AI, cáp biển; sản xuất hydro xanh, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng thông minh; xây dựng chuỗi cung ứng Halal chất lượng cao; và tạo thuận lợi cho di chuyển và điều kiện lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế./.