Việt Nam - Điểm đến mới của doanh nghiệp Mexico
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, trong bối cảnh Mexico tăng thuế nhập khẩu đối với các nước không có Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang nổi lên như một đối tác thương mại tiềm năng của quốc gia Mỹ Latinh này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Mexico hôm 16/12, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico Lưu Vạn Khang khẳng định nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng đầu Mexico đã tìm đến Việt Nam trong năm 2024 để tìm kiếm nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ nhựa và đồ gỗ. Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Theo ông Lưu Vạn Khang, Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) cùng mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các lợi thế từ FTA thế hệ mới này mang lại để tăng cường xâm nhập vào thị trường 130 triệu dân của Mexico. Cụ thể, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ nâng mức này lên 98% vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cà phê, cao su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Ngược lại, Mexico cũng từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, nông sản, đồ uống vào Việt Nam.

Đáng chú ý, ngoài lợi thế mà CPTTP mang lại, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mexico cũng sẽ có giá cả cạnh tranh hơn sau khi Chính phủ Mexico trong hơn 1 năm qua tiếp tục tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 500 mã sản phẩm đến từ các quốc gia không ký kết FTA với quốc gia Bắc Mỹ này, với mức thuế cao nhất lên đến 50%.

Theo Tham tán Thương mại Lưu Vạn Khang, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng hai nước trong việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, xu hướng các nhà nhập khẩu Mexico tìm đến Việt Nam như một thị trường thay thế cũng đã góp phần nâng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 5.9 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024 và dự kiến đạt 6.4 tỷ USD cho cả năm 2024, tăng 23% so với năm 2023. Năm 2024 cũng chứng kiến nhiều hoạt động tích cực của doanh nghiệp Việt Nam tại Mexico, trong đó đáng chú ý là sự kiện VinFast và Công đoàn Lái xe bang Durango đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) để hợp tác trong quá trình chuyển đổi xanh giao thông công cộng, bao gồm khả năng Công đoàn Lái xe Durango mua 3.000 xe điện VF 5 và 300 xe bus điện.

Ngoài ra, trong năm 2024, công ty Formula Air của Việt Nam đã hoàn thành dự án lắp đặt hệ thống thông gió nhà xưởng cho Tập đoàn sản xuất ô tô Volkswagen tại bang Puebla. Trong khi đó, Tập đoàn FPT tại Mexico đã mở rộng mạng lưới cộng tác viên tại khu vực Mỹ Latinh với số lượng lên 1.000 người.

Đề cập tới triển vọng trong năm 2025, ông Lưu Vạn Khang khẳng định thương mại song phương giữa 2 nước còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa, đặc biệt Việt Nam và Mexico đều là thị trường lớn và có nhiều nét tương đồng như quy mô dân số và sức mua, với nhiều sản phẩm, ngành hàng mang tính bổ sung cho nhau.

Tuy nhiên, Thám tán Thương mại Việt Nam tại Mexico Lưu Vạn Khang lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Mexico cần lưu ý hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chứng nhận xuất xứ và quy trình sản xuất trong bối cảnh chính quyền Mexico ngày càng siết chặt các quy định pháp lý liên quan nhằm bảo hộ sản xuất trong nước cũng như đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mà nước này là thành viên./.

Phi Hùng - Phương Lan

Tin cùng chuyên mục

Hợp long cầu dây văng đầu tiên tại tỉnh Nam Định

Ngày 16/12, UBND thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ hợp long dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi. Đây là công trình trọng điểm, kiểu mẫu của tỉnh chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

"Chìa khóa" giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London về tình hình phát triển điện hạt nhân tại châu Âu, chuyên gia Bùi Nguyễn Hoàng, kỹ sư, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 thuộc Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cho biết từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt khủng hoảng khí đốt do xung đột tại Ukraine, nhiều nước châu Âu đã coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Chuyên gia Australia: Các xếp hạng quốc tế phản ánh ấn tượng về tiến bộ kinh tế, xã hội của Việt Nam

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2024, Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho rằng đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì và đã được công nhận trong Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là một trong các ví dụ về các xếp hạng quốc tế cho thấy tiến bộ về kinh tế, xã hội của Việt Nam là rất ấn tượng.

Tinh gọn bộ máy: Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Lai Châu

Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo theo quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế.

Công nghiệp bán dẫn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, đột phá chiến lược

Sáng 14/12, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nhu cầu, đòi hỏi tất yếu, là đột phá chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta trong thời gian tới; yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Đông Nam bộ tạo bệ phóng tiến vào kỷ nguyên mới

Hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng đóng vai trò then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Đông Nam bộ, tạo tiền đề vững chắc cho khu vực vươn mình trong kỷ nguyên mới. Các dự án trọng điểm như đường Hồ Chí Minh và đường Vành đai 3 mở ra cơ hội bứt phá cho toàn vùng.