Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại sự kiện. |
Ảnh: NIC |
Phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn” tổ chức chiều 1/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai rất nhiều các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Theo đó, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao.
Việt Nam có dân số hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng, có thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) được đánh giá cao.
Đặc biệt, Việt Nam đã lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp từ thực tiễn khách quan. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ năm 2021. Ngày 21/9/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và đối tác trong nước và quốc tế đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, nhằm thực hiện được mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư từ nay tới năm 2030.
Hiện nay, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.
Cùng với đó, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư trong năm 2024 để hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao.
Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban; đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng với 03 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với các quốc gia, nền kinh tế phát triển thế giới. Thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn, trí tuệ nhân tạo uy tín trên thế giới.
“Việt Nam đã và đang thực hiện phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, từng bước đồng hành cùng các đối tác, doanh nghiệp để cùng bước vào bản đồ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã lựa chọn Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới để tham gia Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ (ITSI). Đây là sáng kiến thuộc Đạo Luật Khoa học và Chips, cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và AI.
Tháng 9/2024 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại học bang Arizona khởi động và triển khai chương trình tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo hơn 4.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử vi mạch từ nay đến hết năm 2025; đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc) ... để cùng đào tạo tạo nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
“Hội thảo ngày hôm nay là một minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ và cam kết của Việt Nam, với sự đồng hành của các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong việc thúc đẩy, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; trong đó có ngành trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Sự hợp tác chặt chẽ này sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho các bên tham gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.
Chung tay phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI tại Việt Nam, bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm chia sẻ, Qualcomm là một trong những đối tác rất quan trọng tại thị trường chuyển đổi số của Việt Nam. Các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào phát triển tăng cường và AI đã tận dụng được tiềm năng phát triển. Qualcomm rất tự hào đã có những quan hệ rất quan trọng đối với các bộ, ban, ngành cũng như các nhà mạng của Việt Nam.
“Đổi mới sáng tạo của Qualcomm đã tập trung chuyển giao công nghệ và sẽ tiếp tục tăng trưởng; đặc biệt là các công nghệ mà liên quan tới AI tại các thiết bị mà Qualcomm đã làm việc tại Việt Nam”, bà Becky Fraser nhấn mạnh./.