Vùng “đất lửa” Quảng Trị viết tiếp bản hùng ca
Ra khỏi chiến tranh, vùng “đất lửa” Quảng Trị viết tiếp bản hùng ca, hồi sinh và hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước.


Quảng Trị định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. 
Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Đất nước đã thống nhất tròn 50 năm nhưng mỗi tấc đất, dòng sông, địa danh ở tỉnh Quảng Trị vẫn ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát nhưng rất đỗi hào hùng. Ra khỏi chiến tranh, vùng “đất lửa” Quảng Trị viết tiếp bản hùng ca, hồi sinh và hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước.

Các Cựu chiến binh Việt Nam đến thăm Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

*Nơi linh thiêng

Chiến tranh đã lùi xa nhưng còn hàng vạn cán bộ, chiến sỹ mãi nằm lại ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nơi còn được gọi là vùng “đất lửa”, “đất thiêng”. Chiến công, sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ gắn liền với những địa danh đã in đậm trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, Đường 9 - Khe Sanh.

Đến nay đã có gần 60.000 liệt sỹ được quy tập về yên nghỉ tại 72 nghĩa trang trên địa bàn. Trong số các nghĩa trang liệt sỹ ở Quảng Trị, có 2 nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 20.000 liệt sỹ. Ngoài ra, ở Quảng Trị còn có những nơi được xem là nấm mồ chung như thành cổ Quảng Trị, đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn - Bến Tắt và có cả nghĩa trang không bia mộ như dòng sông Thạch Hãn. Hàng vạn liệt sỹ còn nằm lại nơi rừng sâu, vách đá hay đáy sông chưa tìm thấy hài cốt, nhưng ngày ngày vẫn được tưởng nhớ để chiến công của các Anh hùng mãi lưu danh sử sách.

Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 - 16/9 ở mùa hè “đỏ lửa” năm 1972, là một trong những cuộc chiến đấu khốc liệt, gian khổ nhất và cũng là tiêu biểu cho Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Nằm giữa thành cổ Quảng Trị ngày nay là Đài tưởng niệm, được xây dựng mô phỏng như một ngôi mộ tập thể. Phía trên Đài tưởng niệm là cây đèn màu đỏ cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, đồng thời là cầu nối giữa trời và đất, để chuyển tải linh hồn các Anh hùng liệt sỹ về cõi vĩnh hằng. Thắp nén hương tưởng nhớ các liệt sỹ, ông Nguyễn Văn Sơn (60 tuổi, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa nhưng đến thành cổ Quảng Trị vẫn cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh. Nơi này cho mọi người cảm nhận được rõ hơn về sự mất mát và đau thương do chiến tranh, từ đó thêm trân quý khát vọng thiêng liêng của dân tộc là hòa bình và thống nhất.

Đài tưởng niệm thành cổ Quảng Trị - Tháp chuông - Quảng trường Giải phóng - Nhà hành lễ và Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn là trục không gian linh thiêng. Nơi này gắn liền với mùa hè “đỏ lửa” năm 1972, khi ấy hàng vạn chiến sỹ từ bờ Bắc sông Thạch Hãn vượt sông sang bờ Nam vào thành cổ Quảng Trị chiến đấu. Máu xương của hàng vạn chiến sỹ đã hòa vào dòng Thạch Hãn linh thiêng. Các anh nằm lại dưới đáy sông khi tuổi mới đôi mươi, để lại bao tài hoa và ước vọng.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải”. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ngược lên phía Tây là dải Trường Sơn hùng vĩ. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước có khoảng hơn 23.000 chiến sỹ của Binh đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn hy sinh trên đường Trường Sơn. Trong đó, hơn 10.000 liệt sỹ đã được quy tập về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, xã Linh Trường, huyện Gio Linh; khoảng 13.000 liệt sỹ còn lại chưa tìm thấy hài cốt. Đền tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sơn - Bến Tắt, nằm bên trái lối vào cổng chính của Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, là nơi thờ anh linh hơn 13.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt.

Cựu chiến binh Phan Văn Cương (78 tuổi, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại có nhiều người lính trẻ. Trong đó, nhiều người có quê ở các tỉnh phía Bắc, khi Tổ quốc cần đã xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Đất nước đã thống nhất 50 năm, nhiều liệt sỹ là bộ đội Trường Sơn vẫn còn nằm lại nơi nào đó trên dãy hùng vĩ ấy, nhưng không ai quên những chiến công hiển hách của họ.

Cầu Thành Cổ bắc qua sông Thạch Hãn thuộc Phường 2, thị xã Quảng Trị. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

*Khát vọng vươn lên

Ra khỏi chiến tranh, Quảng Trị hoang tàn đổ nát khi có đến 95% làng mạc bị tàn phá. Người dân muốn khôi phục sản xuất nhưng luôn phải đối mặt với “tử thần”, khi hơn 80% trên tổng diện tích đất của tỉnh bị ô nhiễm bom mìn - cao nhất cả nước. Sau 50 năm đất nước thống nhất, ngày nay Quảng Trị không chỉ được biết đến là vùng đất bị chiến tranh hủy diệt, là nơi có Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải - giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc đằng đẵng suốt 21 năm (1954 - 1975) mà vùng “đất lửa” đã hồi sinh và hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước.

Ngày nay, Quảng Trị đã được bao phủ bởi màu xanh, thay cho cảnh hoang tàn do chiến tranh. Những nơi là chiến trường ác liệt năm xưa như: Đường 9 - Khe Sanh, Cồn Tiên - Dốc Miếu, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; nay là những vùng chuyên canh cây cà phê, cao su, hồ tiêu, rừng sản xuất và lúa chất lượng cao. Tỉnh đã có 76/101 xã, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Cam Lộ, Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 81 triệu đồng/năm.

Từ “trắng” về công nghiệp, Quảng Trị đã phát triển nhiều ngành công nghiệp chủ lực như: Chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng và nhất là năng lượng với chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào làm điện gió, điện mặt trời, điện khí. Đến tháng 4/2025, tỉnh đã đưa vào vận hành thương mại 20 nhà máy điện gió, 3 nhà máy điện mặt trời, 11 dự án thủy điện cùng nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 1.200 MW. Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030, với tổng sản lượng điện đạt từ 9.000-10.000 MW. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh quyết tâm phát triển ngành công nghiệp năng lượng như mục tiêu đã đề ra, qua đó tạo đột phá cho phát triển kinh tế, góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng phát triển.

Hạ tầng giao thông đang được tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện, nhằm khai thác lợi thế nằm giữa “khúc ruột” miền Trung và hành lang Đông - Tây. Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh các dự án: Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy giai đoạn 1, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây để đưa vào khai thác năm 2026. Bên cạnh Quốc lộ 9 (Hành lang kinh tế Đông - Tây), từ nay đến năm 2030, tỉnh hoàn thành hai tuyến giao thông huyết mạch khác theo trục Đông - Tây gồm: Quốc lộ 15D kết nối cảng biển nước sâu Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 92 km; cao tốc đường bộ Cam Lộ - Lao Bảo dài 56km.

Khu công nghiệp Nam Đông Hà, thành phố Đông Hà có diện tích hơn 98 ha, đến nay đã thu hút đầu tư được khoảng 90%. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Chú trọng phát triển kinh tế nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị vẫn “trọn nghĩa vẹn tình” khi thay mặt cả nước, chăm sóc chu đáo hàng chục nghìn phần mộ liệt sỹ, để thân nhân những liệt sỹ ở khắp mọi miền Tổ quốc được an lòng. Năm 2025, tỉnh dành trên 95 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ. Tỉnh đang đẩy nhanh xây mới trên 4.210 căn nhà, sửa chữa nhà cho 3.155 hộ để hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trước ngày 30/6/2025.

Với hệ thống gần 500 di tích lịch sử cách mạng, Quảng Trị được xem như Bảo tàng sinh động về di tích chiến tranh cách mạng của Việt Nam. Những di tích tiêu biểu như: Thành cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… được tỉnh xây dựng trở thành điểm đến lan tỏa khát vọng hòa bình ra thế giới, thông qua “Lễ hội Vì Hòa bình” tổ chức định kỳ hai năm/lần, bắt đầu từ 2024.

Bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện Nghị quyết 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án thành lập tỉnh mới mang tên Quảng Trị nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội./.


Tin liên quan

50 năm Thống nhất đất nước: Từ bản hùng ca dân tộc đến ngọn đuốc soi đường cho kỷ nguyên mới

Phóng viên TTXVN tại Singapore đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4/1975 và tầm vóc của Việt Nam sau 50 năm thống nhất. Những phân tích sắc sảo và đầy cảm xúc của ông cho thấy không chỉ sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt, mà còn là thông điệp sâu sắc cho hành trình đi tới tương lai.

Tin cùng chuyên mục

50 năm Thống nhất đất nước: Uy tín vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc) đánh giá cao ý nghĩa ý nghĩa lịch sử của sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và những thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam đạt được trong 50 năm qua.

Nhãn quan quân sự tài tình của Chủ tịch HCMinh

Một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi làm việc cùng đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”.

50 năm Thống nhất đất nước: Báo chí Campuchia đề cao sự thịnh vượng và hòa hợp của Việt Nam

Chiến thắng 30/4/1975 là một mốc son nổi bật trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Uch Leang - quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), Chủ tịch Hội cựu Sinh viên Campuchia từng học tại Việt Nam (CAVA) - trong bài viết đăng tải ngày 21/4 trên báo Khmer Times của Campuchia, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975-30/4/2025).

50 năm Thống nhất đất nước: Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cung cấp những bài học và kinh nghiệm quý giá

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), nhà báo, nhà sử học Gerhard Feldbauer, nguyên phóng viên của hãng thông tấn ADN đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Đức, trong đó ông đưa ra những đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng ngày 30/4/1975 đối với Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam, những thay đổi của Việt Nam sau 50 năm thống nhất, và khả năng vận dụng những yếu tố từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào bối cảnh phát triển hiện nay.