Xem xét rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng nay 12/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Xem xét rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao

Theo các Tờ trình, Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu cử vào ngày Chủ Nhật 23/5/2021; kỳ họp thứ nhất của Quốc hội được khai mạc ngày 20/7/2021 và Hội đồng nhân dân các cấp cũng được khai mạc vào khoảng thời gian này. Như vậy, theo các quy định của pháp luật trên, đến ngày 20/7/2026, Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất là ngày 24/5/2026 Quốc hội khóa XVI, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.

Tuy nhiên, căn cứ chủ trương của Đảng, yêu cầu thực tiễn cho thấy, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng nhân dân khóa mới. Sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật, ngày 15/3/2026 là phù hợp với các yêu cầu thực tiễn. Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội việc quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, dự kiến vào ngày 15/3/2026.

Cũng trong phiên họp sáng 12/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được xây dựng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án Luật. Dự thảo Luật đã lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện; rà soát, sửa đổi, bổ sung 47/98 điều của Luật hiện hành; phạm vi sửa đổi không quá 1/2 tổng số điều; sửa đổi các quy định nhằm điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đa số ý kiến tán thành với việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày./.

Tin cùng chuyên mục

Rực rỡ sắc màu văn hóa Việt Nam tại trái tim châu Âu

Giữa tháng Năm dịu dàng, “trái tim chính trị” của châu Âu ở Brussels (Bỉ) lại mở cửa chào đón công chúng với sự kiện thường niên “Open Day – Ngày hội Mở cửa” tại trụ sở các cơ quan quyền lực của Liên minh châu Âu (EU).

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga

Chiều 9/5 (giờ địa phương), tại Trụ sở Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ở thủ đô Moskva, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Vốn FDI vào Việt Nam tăng gần 40%

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến hết tháng 4/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2024.