135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ấn tượng sâu sắc về Bác Hồ trong lòng nhân sĩ Hong Kong (Trung Quốc)
Trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến Hong Kong (Trung Quốc) để hoạt động cách mạng dưới tên gọi Tống Văn Sơ trong khoảng thời gian đầu những năm 1930. Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Hong Kong đã phỏng vấn các nhân sĩ có nhiều năm nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Người, cũng như từng có cơ hội được gặp Bác Hồ tại Việt Nam để tìm hiểu những tâm tư, tình cảm và kỷ niệm đối với vị cha già dân tộc.

Nhà nghiên cứu Lý Minh Hán, cố vấn bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong” cho biết nhân cách con người, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh cách mạng của người cộng sản là một phần di sản vô cùng quý báu mà Nguyễn Ái Quốc đã để lại ở Hong Kong. Chính những điều này đã khiến cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hóa được những quan chức cấp cao, luật sư và cả những người làm công tác giám ngục để họ đứng ra giúp Người thoát khỏi vụ án Tống Văn Sơ. Không chỉ có gia đình Luật sư Loseby, mà cả vợ chồng Phó Thống đốc Hong Kong khi đó là ngài Thomas Southon và bà Stella Benson cũng đều có ấn tượng và tình cảm đặc biệt với người tù Tống Văn Sơ. Họ đã tìm mọi cách để bảo vệ và giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần thoát khỏi nhà tù của thực dân để an toàn trở về với Quốc tế Cộng sản. Đây sẽ mãi là những câu chuyện và di sản tinh thần vô giá cần tiếp tục gìn giữ và quảng bá đến mãi mai sau.

Ông Lý Minh Hán giới thiệu với mọi người về nội dung bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà tù Victoria thuộc Khu di tích Tai Kwun, Hong Kong hiện nay. Ảnh: Xuân Vịnh-PV TTXVN tại Hong Kong.

Mặc dù đã hơn 80 tuổi, nhưng ông Lý Minh Hán vẫn có thể ngồi hàng giờ để say mê kể về chặng đường nghiên cứu thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như cơ duyên đưa ông đến việc đi sâu nghiên cứu về Người. Theo ông Lý Minh Hán, ngay từ nhỏ vợ ông là bà Phùng Lệ Quyên đã được cha mình là ông Phùng Hồng, một đầu bếp nổi tiếng kể cho nghe về ấn tượng sâu đậm khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm 1959-1961, ông Phùng Hồng, cha của bà Phùng Lệ Quyên làm đầu bếp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam. Khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong chuyến thăm Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi thân mật Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và ông Phùng Hồng được chọn làm đầu bếp để phục vụ sự kiện trên. Tại đây, ông Phùng Hồng không chỉ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn được Người trực tiếp động viên, thăm hỏi và nói chuyện bằng tiếng Quảng Đông nên vô cùng xúc động. Đại sứ lúc bấy giờ là ông Hà Vĩ đã yêu cầu ông Phùng Hồng nấu món ăn theo vị Quảng Đông để Bác Hồ nếm thử, ông đã rất xúc động và hồi hộp vì được nấu cơm cho Bác Hồ là một vinh dự to lớn của cả đời người. Sau đó, Bác Hồ có vài lần qua dùng bữa với đại sứ trong những trường hợp phi chính thức, ông Phùng Hồng đều hân hạnh được nấu cơm tiếp đón Người. Có lẽ chính sự kính trọng, yêu mến và rất đỗi khâm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh này đã được ông Phùng Hồng gửi gắm và định hướng để cô con gái của mình theo học chuyên ngành tiếng Việt.

Nhà nghiên cứu Lý Minh Hán cùng vợ Phùng Lệ Quyên trả lời phỏng phóng viên TTXVN. Ảnh: Ảnh: Xuân Vịnh-PV TTXVN tại Hong Kong

Ông Lý Minh Hán nhấn mạnh, sở dĩ ông dành nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu về những nội dung kể trên là do tình cảm yêu mến cùng sự kính trọng và khâm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản, nhà chính trị, nhà lý luận kiệt xuất của Việt Nam.

Xúc động chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Trần Phục Hưng, Hoa kiều sinh ra và lớn lên tại Việt Nam vẫn nhớ như in kỷ niệm được gặp Bác Hồ tại Trường trung học Hoa kiều tại Hà Nội vào mùa Hè năm 1956. Ông Trần Phục Hưng bồi hồi nhớ lại khi cả lớp đang ngồi học bài thì nhận được thông báo nhanh chóng di chuyển xuống khu vực sân trường để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến mọi người vô cùng phấn khởi.

Ông Trần Phục Hưng, Hoa kiều từng sinh sống và học tập tại Việt Nam, kể lại ấn tượng sâu sắc về lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Vịnh-PV TTXVN tại Hong Kong

Ông Trần Phục Hưng nhớ lại tại cuộc gặp, Bác Hồ cho biết mình đã đến nhà bếp xem tình hình ăn uống của các cháu, các cháu ăn có ngon miệng không, vệ sinh nhà bếp có tốt không, sau đó Bác Hồ đến khu ký túc xá, đi một vòng, cuối cùng là đến phòng học của các bạn. Khi đó Bác Hồ còn biểu dương các bạn học sinh, các cháu học tập rất nghiêm túc, chăm chỉ, giữ yên tĩnh. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ dành cho các học sinh Hoa kiều cùng lời căn dặn hãy chăm chỉ học tập, sau khi tốt nghiệp có thể tham gia quá trình xây dựng Việt Nam luôn khắc sâu trong lòng ông Trần Phục Hưng.

Chia sẻ những cảm xúc khi may mắn có dịp được gặp Bác Hồ, bà Liêu Hoa Mai – Hội trưởng Hội liên hiệp người Hoa đến từ Việt Nam-Campuchia-Lào tại Hong Kong, kể lại bà đã vinh dự được vào thăm Phủ Chủ tịch nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Chu Ân Lai. Khi ấy Bác Hồ đã ân cần thăm hỏi tên tuổi và tình hình học tập của bà Liêu Mai Hoa. Trong ấn tượng của bà dù khi ấy còn rất nhỏ, Bác Hồ rất hiền từ và ấn tượng đó mãi không thể nào quên. Cha của bà Liêu Hoa Mai là ông Liêu Thăng cũng tham gia cách mạng tại Việt Nam. Lúc cha của bà rời Việt Nam, Bác Hồ cũng ký tên tặng Huân chương kháng chiến, tấm bằng khen đó hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng ở Bắc Kinh.

Bà Liêu Hoa Mai, Hội trưởng Hội liên hiệp người Hoa Việt Nam-Lào-Campuchia tại Hong Kong chia sẻ về kỷ niệm khi vinh dự được là một trong những học sinh được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Xuân Vịnh-PV TTXVN tại Hong Kong

Ngày nay, Hong Kong đã là một trung tâm thương mại, tài chính lớn của thế giới với những tòa nhà chọc trời, những tuyến phố sầm uất, các trung tâm thương mại hiện đại, đông đúc khách du lịch. Một Hong Kong hiện đại ít nhiều đã xóa đi những dấu vết của quá khứ nhưng tại thành phố này vẫn còn đó những di tích liên quan đến Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ. Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác Hồ, ông Lý Minh Hán, ông Trần Phục Hưng và bà Liêu Hoa Mai đã cùng các phóng viên TTXVN tại Hong Kong đến thăm những di tích ghi dấu chân Người như Nhà tù Victoria, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị chính quyền thực dân Anh giam giữ và Tòa án tối cao Hong Kong từng xét xử vụ án Tống Văn Sơ năm xưa, để cùng chia sẻ những tình cảm của các nhân sĩ Hong Kong với vị cha già của dân tộc Việt Nam.

Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên đất Hong Kong không chỉ là những di tích vật chất mà còn là những giá trị tinh thần vô giá, tạo nên sự kết nối tốt đẹp giữa Việt Nam và Hong Kong từ trước đến nay và mãi về sau. Những địa danh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người tại Hong Kong như Nhà tù Victoria (Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Tai Kwun hiện nay), nay đã được cải tạo thành bảo tàng và là một điểm tham quan du lịch, cũng đang và sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho du khách Việt Nam cũng như du khách các nước mỗi khi đặt chân đến đây./.

Mạc Luyện-Xuân Vịnh-Thành Nam

Tin cùng chuyên mục

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người anh hùng dân tộc Việt Nam sống mãi trong ký ức bạn bè Italy

“Bác Hồ vẫn luôn ở cùng chúng ta. Những gì Người làm cho chúng ta, cho dân tộc Việt Nam của Người và các dân tộc bị áp bức, những điều Người đã dạy chúng ta bằng sự khiêm nhường và kiên định, chúng ta sẽ luôn mang theo và ghi nhớ trong tâm trí và trái tim mình” - Đó là những điều mà Tiến sĩ Sandra Scagliotti, nhà Việt Nam học, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin và Genoa chia sẻ với phóng viên TTXVN nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025).

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khẳng định giá trị thời đại của phong cách ngoại giao của Bác

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã trang trọng tổ chức Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bàn thờ Bác Hồ trong trụ sở Đại sứ quán, Lễ kỷ niệm và cuộc trao đổi về phong cách ngoại giao trong Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh”

Tối 18/5, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” diễn ra tại Quảng trường Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội). Dự chương trình có: Tổng Bí thư Tô Lâm; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; các đồng chí: Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội cùng đông đảo đại biểu khách mời các cơ quan, đơn vị.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người dân Mỹ Latinh và những lần gặp Bác

Chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến Mỹ Latinh trong những năm đầu thế kỷ XX trên hành trình bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, sau đó không có dịp quay lại nơi đây. Tuy nhiên, nhiều người dân tại châu lục này đã vượt nghìn trùng khơi với mong muốn gặp Bác, giữa lúc Việt Nam vẫn chìm trong ánh chớp lửa đạn.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học giả và bạn bè Pháp đánh giá cao vai trò của Người

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), nhiều nhà sử học, chính trị gia và bạn bè Pháp đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp những đánh giá sâu sắc về vai trò và ảnh hưởng của Người đối với lịch sử Việt Nam và thế giới. Di sản của Người, từ tư tưởng đến phong cách lãnh đạo, vẫn tiếp tục được nghiên cứu và ngưỡng mộ trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những di sản vượt thời đại, vẹn nguyên tính thời sự

Cách đây 38 năm, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Sự vinh danh này đã khẳng định di sản mà Người để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự. Đây là lời khẳng định của Tổng thư ký Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam Pedro da Oliveira khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tưởng nhớ Người nơi quê hương vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới V.I.Lenin

Tại thành phố Ulyanovsk (LB Nga), quê hương vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới V.I.Lênin, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Ekaterinburg phối hợp chính quyền tỉnh cùng tên, tỉnh Nghệ An và Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bạn bè Thụy Sĩ ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam

Bác Hồ là biểu tượng sáng ngời cho lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trí tuệ uyên bác và sự hy sinh vô bờ bến vì nhân dân, vì Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc trao đổi với những người bạn quốc tế về hình ảnh Việt Nam như một đất nước yêu chuộng hòa bình, tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho cuộc sống của toàn dân.