30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Câu chuyện thành công điển hình của cải cách và hội nhập
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (28/7/1995 – 28/7/2025), Giáo sư Hal Hill thuộc Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhận định việc gia nhập ASEAN là một trong những bước phát triển chiến lược và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại khu vực.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Hill nêu rõ cách đây ba thập kỷ, Đông Nam Á còn là một khu vực kém phát triển hơn hiện nay và Việt Nam lúc đó vẫn là một quốc gia nghèo, mới bước đầu hội nhập kinh tế - chính trị quốc tế sau nhiều thập niên chiến tranh. Tuy nhiên, nhờ việc tham gia ASEAN, Việt Nam đã có điều kiện học hỏi từ các nước láng giềng, những quốc gia khi đó có độ mở kinh tế cao hơn, và dần bắt nhịp vào tiến trình toàn cầu hóa khu vực.

Giáo sư Hill nhấn mạnh gia nhập ASEAN đã mở ra cánh cửa để Việt Nam học hỏi, giao lưu, nhưng quan trọng hơn là Việt Nam biết cách kết hợp quá trình hội nhập khu vực với cải cách trong nước. Ông cho rằng công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 là nền tảng giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả những cơ hội mà ASEAN mang lại.

Giáo sư Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia. Ảnh: Lê Đạt/TTXVN

Việt Nam đã chủ động thúc đẩy hội nhập, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế và tạo dựng hình ảnh một quốc gia năng động, có trách nhiệm trong khu vực. Từ một nước tụt hậu, Việt Nam nay đã vươn lên thành nền kinh tế năng động nhất ASEAN trong thế kỷ XXI. Ba mươi năm trước, không ai hình dung được rằng Việt Nam sẽ vượt qua Philippines về thu nhập bình quân đầu người. Nhưng ngày nay điều đó đã thành hiện thực. Ông đánh giá Việt Nam đang từng bước tiệm cận nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Phân tích vai trò của Việt Nam trong ASEAN hiện nay, Giáo sư Hill cho rằng có ba yếu tố nổi bật. Thứ nhất, Việt Nam có quy mô lớn về dân số và diện tích, tạo ra ảnh hưởng tự nhiên trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất ASEAN, có tiềm năng trở thành đầu tàu tăng trưởng trong thập kỷ tới. Thứ ba, Việt Nam đang chứng minh khả năng dẫn dắt trong xử lý quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, nhờ kinh nghiệm lịch sử và sự khéo léo trong chính sách đối ngoại cân bằng. Ông nhấn mạnh Việt Nam đang là hình mẫu trong cách cân bằng giữa hai cường quốc lớn trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia – điều mà nhiều nước Đông Nam Á đang tìm cách học hỏi.

Hoạt động tại Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép ở phường Tân Phước, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhìn về tương lai, Giáo sư Hill tin tưởng rằng đến năm 2045, Việt Nam sẽ là một quốc gia có vai trò và ảnh hưởng lớn hơn nhiều trong ASEAN cũng như trên trường quốc tế. Với đà phát triển hiện nay, cộng thêm nền tảng ổn định chính trị và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, Việt Nam sẽ tiếp tục là động lực phát triển của khu vực. Ông nhận định Việt Nam là một câu chuyện thành công điển hình của cải cách và hội nhập. Nếu duy trì được tốc độ phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao trong vài thập kỷ tới.

Về phần ASEAN, Giáo sư Hill cho rằng trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, đoàn kết nội khối và tăng cường thể chế là hai yếu tố then chốt. Ông nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN chỉ có thể được duy trì nếu tổ chức này củng cố nội lực, tăng cường tiếng nói và hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký ASEAN. Giáo sư Hill cũng lưu ý rằng để tránh bị chia rẽ bởi các lợi ích quốc gia riêng lẻ, ASEAN cần tiếp tục xây dựng một cộng đồng đoàn kết, thống nhất trong hành động. Ông cho rằng chỉ bằng cách đó, hiệp hội mới có thể giữ vững vị thế và phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang thay đổi nhanh chóng./.

Thanh Tú – Lê Đạt – Văn Linh

Tin cùng chuyên mục

30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Hành trình từ tham gia đến kiến tạo

Ngày 28/7/1995 đánh dấu một mốc son quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam khi chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhân dịp này, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN Tôn Thị Ngọc Hương đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia.

Đổi mới học tập lý luận chính trị trong giai đoạn mới

Ngày 25/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên

Đối với thanh niên, việc học chính trị là để trang bị cho mình lập trường giai cấp. Bởi nếu không có lý luận về Chủ nghĩa xã hội - khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng. Ngày 25/7/1956, tới thăm Đại hội Liên hoan Thanh niên tích cực ngành Đường sắt Việt Nam, Người nhấn mạnh “Nếu không học văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật. Không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà. Nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”.

Triển lãm tranh "Thầy-Trò: Giai điệu một con đường”

Ngày 23/7, trong khuôn khổ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - LB Nga, tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Zurab Tsereteli thuộc Khu Bảo tàng và Triển lãm của Học viện Nghệ thuật Nga đã khai mạc triển lãm tranh đặc biệt "Thầy-Trò: Giai điệu một con đường”. Triển lãm vinh dự đón tiếp bà Ngô Phương Ly, phu nhân Tổng bí thư Tô Lâm, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi và phu nhân, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko và phu nhân cùng quan chức hai nước và người yêu nghệ thuật.

Việt Nam góp phần giúp ASEAN thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược

Nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN (28/7/1995 – 28/7/2025), phóng viên TTXVN tại Thái Lan đã có cuộc trò chuyện với học giả Kavi Chongkittavorn, một chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề khu vực về nỗ lực hội nhập cũng như sự đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trong hành trình 30 năm qua.

30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Khẳng định vị thế ngày càng mang tính dẫn dắt

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (28/7/1995 – 28/7/2025), Giáo sư Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia (ANU) – đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia, chia sẻ những đánh giá sâu sắc về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN suốt ba thập kỷ qua.