50 năm Thống nhất đất nước: Những yếu tố làm nên sự phát triển thần kỳ của Việt Nam
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế, học giả Fulbright thường trú tại Đại học Mỹ (AU) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington về ý nghĩa của ngày trọng đại mang tính lịch sử này, cũng như những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, tháng 4 có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam và chiến thắng 30/4 là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử - chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam, đánh dấu một thời kỳ đất nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất. Tiến sĩ nhấn mạnh các thế hệ hiện nay và mai sau phải mãi mãi biết ơn những thế hệ tiền bối đã hy sinh vì nền độc lập và thống nhất đất nước. Nhìn vào tình hình khu vực và trên thế giới hiện nay, sẻ chia khát vọng sống trong hòa bình của nhiều quốc gia vẫn trong tình trạng chiến tranh và xung đột hiện nay, những thế hệ người Việt ngày nay càng thêm trân quý và biết ơn sự hy sinh của các thế hệ tiền bối. Theo Tiến sĩ, cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ tiền bối chính là phải xây dựng và phát triển đất nước hùng cường cho xứng đáng với sự hy sinh đó. Người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cần đoàn kết và đồng lòng để hiện thực hóa khát vọng đó. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh: “Đất nước đã độc lập và thống nhất, mệnh lệnh của thời đại đối với cả dân tộc Việt Nam, của tất cả người Việt Nam con Lạc, cháu Hồng trên thế giới là chung sức và đoàn kết với nhau xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng”.

Nhìn lại quá trình phát triển của Việt Nam kể từ ngày thống nhất đất nước cho đến nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, 50 năm nếu tính theo đời người thì không phải là dài. Hơn nữa, 10 năm tiếp theo sau năm 1975, Việt Nam tiếp tục trải qua biết bao khó khăn, từ chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở biên giới phía Bắc và Tây Nam rồi chủ quyền biển đảo trên biển Đông, đến chịu sự bao vây và cấm vận của các thế lực thù nghịch. Khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới, thế giới lại có những biến động. Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông và Trung Âu tan rã, nguồn viện trợ bị cắt, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình khôi phục và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Vì thế, nếu nhìn rộng ra thì là 50 năm tính từ khi đất nước thống nhất, nhưng hẹp hơn thì là từ khi Việt Nam đổi mới năm 1986 đến nay. Với những khó khăn như vậy, và trong chỉ trong khoảng 4 thập kỷ mà Việt Nam bây giờ đạt được vị thế đất nước có mức thu nhập trung bình, đang hướng tới trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao và xa hơn nữa là nước phát triển công nghiệp hiện đại vào năm 2045, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, đó quả là thần kỳ. Chỉ trong vòng hơn 2 thập kỷ sau đổi mới, Việt Nam đã đưa được hàng chục triệu người thoát cảnh đói nghèo, và ngày càng nâng cao được vị thế trên trường quốc tế cả về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.Chính vì thế, Việt Nam có thể tự hào rằng trong chỉ trong 4 thập kỷ, từ một nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam mà đạt được trình độ phát triển, nâng cao được vị thế, uy tín và có sức ảnh hưởng nhất định trên trường quốc tế như hiện nay là một điều thần kỳ thật sự. Sự phát triển của Việt Nam cũng được thế giới ca ngợi là hình mẫu, là tấm gương cho nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước mà ở vị thế khó khăn và có xuất phát điểm như Việt Nam trước đây.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đánh giá, ngoài các yếu tố đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của một chính Đảng luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết thì ý chí, khát vọng của con người Việt Nam đưa đất nước đạt được trình độ phát triển hiện nay có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi nguồn lực, phẩm chất và trí tuệ con người đóng vai trò quyết định và không có một dân tộc nào có khát vọng vươn lên thịnh vượng như dân tộc Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng chính sách và lời hiệu triệu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển thịnh vượng, rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng được nguyện vọng, khát vọng của cả dân tộc, do đó sẽ trở thành hiện thực được khi cả dân tộc, đất nước đều đồng lòng, đều hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và hùng cường. Để thực hiện khát vọng đó, về thuận lợi, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng ở Việt Nam có được sự đồng thuận xã hội, tiếp đó là chính sách đúng đắn, ví dụ như việc đề cao vai trò của khu vực tư nhân - nguồn đóng góp và nguồn lực rất lớn cho phát triển. Khu vực tư nhân cũng là không gian phát huy và giải phóng được trí tuệ sức, sáng tạo và sức lao động sản xuất, luôn đổi mới tư duy, phong cách, văn hóa kinh doanh, dám nghĩ và dám làm. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành chính sách, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp lãnh đạo thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với những quyết sách đúng đắn như vậy, Tiến sĩ tin rằng Việt Nam sẽ đạt được bước đột phá phát triển ngoạn mục trong thời gian tới.

Thuận lợi thứ ba, theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, chính là nền tảng dựa trên những thành tựu của gần 4 năm Đổi mới – bệ phóng để đưa nền kinh tế cất cánh lên tầm cao hơn nữa. Thuận lợi thứ tư là hệ thống chính trị và xã hội ổn định, tạo niềm tin, tạo cơ sở để cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Yếu tố thứ năm là vị trí địa chiến lược, địa kinh tế của Việt Nam - vị trí trung tâm của Đông Nam Á và khu vực châu Á Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; khu vực phát triển năng động nhất hiện nay. Điều này giúp thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn lớn.

Tuy nhiên, thuận lợi bao giờ cũng đi kèm với khó khăn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, vị trí địa chiến lược và địa chính trị của Việt Nam khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực, cả gián tiếp và trực tiếp. Thứ hai là khó khăn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng so với những yêu cầu phát triển ở trình độ cao. Tiến sĩ cho rằng Việt Nam phải đầu tư và tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo hơn nữa cho nguồn nhân lực, đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển để đáp ứng được giai đoạn phát triển mới trong kỷ nguyên mới với đòi hỏi nguồn nhân lực, trí tuệ con người ở trình độ cao hơn. Một khó khăn nữa đó là sự biến động của tình hình thế giới như như những thay đổi chính sách về đầu tư, thương mại và thuế quan có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam.

Dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải tin rằng với chính sách, đường lối khéo léo về ngoại giao, về chính trị, về thương mại, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn đó. Việt Nam cho đến nay vẫn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận có một môi trường chính trị-xã hội ổn định, con người Việt Nam có trí tuệ, thông minh, thân thiện, và quan trọng là dân tộc Việt Nam thủy chung với bạn bè quốc tế. Đó chính là điều làm cho cộng đồng thế giới xem Việt Nam như một người bạn đáng tin cậy, điều vô cùng quan trọng trong thế giới đầy biến động,

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải tin rằng việc kiên định với đường lối, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế sẽ tạo nên “lực hấp dẫn” của Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút bạn bè, cộng đồng quốc tế đến với Việt Nam. Ngược lại điều này sẽ giúp cho Việt Nam hiện thực hóa được khát vọng xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, hùng cường và sánh vai được với các cường quốc trên thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Ngọc Quang – Hồng Nguyên – Đoàn Hùng

Tin cùng chuyên mục

50 năm Thống nhất đất nước: Việt Nam đang vươn mình trong tất cả mọi lĩnh vực

Giáo sư, Tiến sĩ Joseph Văn Võ, Tổng Giám đốc Tổ chức Khoa học gia và Chuyên gia gốc Việt toàn cầu (AVSC), đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước. Ông nhận định, Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương.

50 năm Thống nhất đất nước: Giới trí thức Việt kiều Australia tin tưởng đất nước trở thành hình mẫu phát triển bền vững

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia, Tiến sĩ Trần Nam Nghiệp – giảng viên cao cấp tại Khoa Kỹ thuật Hóa học thuộc Đại học Adelaide; Phó Trưởng Khoa Hợp tác quốc tế, đặc trách khu vực Đông Nam Á thuộc Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ; Chủ tịch Chi hội Nam Australia của Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA) – bày tỏ sự vui mừng khi được chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước Việt Nam cả về kinh tế, xã hội lẫn địa chính trị.

Niềm tự hào của nhân dân yêu chuộng hòa bình

Những ngày tháng Tư này, không chỉ riêng dải đất hình chữ S sống trong không khí hào hùng, niềm tự hào, tinh thần dân tộc của 50 năm thống nhất. Ở nhiều nơi trên thế giới, những người yêu mến Việt Nam, đặc biệt những người từng tham gia phong trào phản chiến, từng vui reo khi biết tin về Chiến thắng ngày 30/4/1975 cũng như sống lại thời khắc lịch sử ấy.

50 năm Thống nhất đất nước: Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế

“Năm 2025 đánh dấu 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, đồng thời mở ra một hành trình đầy nỗ lực của đất nước và con người Việt Nam”. Đây là nhận định của Giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, Phó Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia.

50 năm Thống nhất đất nước: Đảng Cộng sản Nhật Bản sớm thể hiện sự đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam

Nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã phỏng vấn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4, cũng như sự ủng hộ Đảng Cộng sản Nhật Bản đối với Việt Nam trong giai đoạn này. Ông Shii là người rất tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam do Đảng Cộng sản Nhật Bản phát động vào những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

50 năm Thống nhất đất nước: Đại sứ Việt Nam tại Lào nêu bật vai trò của Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Lào

Trong khuôn khổ Triển lãm ảnh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), từ ngày 22-30/4, tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.