Bài học cũ, bi kịch mới
Sau một loạt những vụ lừa đảo qua sàn forex thời gian qua, vụ án “Tiktoker Mr. Pips” tiếp tục phơi bày những góc khuất đáng báo động trong hoạt động đầu tư tài chính trực tuyến và để lại những bài học, dù không mới.

Trong thời đại kỹ thuật số, những cơ hội đầu tư tài chính dường như nở rộ hơn bao giờ hết, nhưng song hành với đó là những cái bẫy nguy hiểm được giăng ra bởi những kẻ lừa đảo tinh vi. Vụ việc gần đây liên quan đến “Tiktoker Mr. Pips” – Phó Đức Nam và “TikToker Mr. Hunter” - Lê Khắc Ngọ, những kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng từ hàng ngàn nhà đầu tư, là minh chứng rõ ràng cho thấy những bài học cũ về lừa đảo tài chính vẫn chưa đủ để ngăn chặn những bi kịch mới.

Sự phát triển của công nghệ và các nền tảng giao dịch tài chính quốc tế online rõ ràng đã mở ra cánh cửa cho nhiều người tiếp cận với các kênh đầu tư mà trước đây chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế biến động, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng chạm đáy khiến tiết kiệm không còn hấp dẫn, giá vàng liên tục biến động từ lập kỷ lục đến lao dốc không phanh, và chứng khoán trong nước ảm đạm, một dòng tiền không nhỏ đã “tủa” đi các nơi tìm kiếm những kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn. Nhiều người, từ những người dân bình thường thiếu hiểu biết đến những người đã có vốn liếng, kinh nghiệm kinh doanh, bắt đầu tìm kiếm các kênh đầu tư mới, với hy vọng thu được lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Chính trong bối cảnh này, những "cơ hội" đầu tư như hệ thống của “Mr. Pips” xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh lòng tin, che mắt nhiều người.

Khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, dư luận không khỏi bàng hoàng với con số trên 5.200 tỷ đồng trị giá các tài sản mà cơ quan chức năng thu giữ từ hệ thống của “Mr Pips”: Hàng chục xe sang dàn kín sân, những xấp vàng miếng, đô la… Và đó chỉ là một phần tài sản mà bọn chúng đã lừa đảo của hơn 2.600 nạn nhân, trong đó có nạn nhân bị lừa tới trên 40 tỷ đồng.

Chiêu trò lừa đảo đầu tư tài chính online đã được bóc trần qua nhiều vụ án trước đây, được các chuyên gia và giới truyền thông cảnh báo, thậm chí Bộ Công an đã phát hành cả cẩm nang để lưu ý người dân, nhưng hàng nghìn người vẫn mắc bẫy, khốn đốn vì mất tài sản, lâm cảnh nợ nần. Lý do thì phải kể đến cả nguyên nhân khách quan từ phía kẻ giăng bẫy, lẫn chủ quan - từ các nạn nhân.

Những tội phạm công nghệ cao như “Mr Pips” đã nâng hành vi lừa đảo của chúng lên một “tầm cao” mới, với sự tinh vi, bài bản của cả một hệ thống. Bọn chúng đầu tư mạnh vào việc xây dựng hình ảnh "chuyên nghiệp". Từ website bóng bẩy, giao diện tiếng Anh, “sang xịn” như thật, đến các "chuyên gia" tư vấn ăn mặc lịch sự, nói chuyện thuyết phục, và cả hình ảnh cá nhân với lối sống xa hoa của “Mr Pips” trong vai trò một Tiktoker nổi tiếng, tất cả đều nhằm đánh lừa sự cảnh giác của nạn nhân. Không chỉ đưa ra chiêu lừa truyền thống là cam kết lợi nhuận “khủng”, hứa hẹn chung tay “đẩy thuyền về bờ” để kích thích lòng tham, nhóm lừa đảo còn sử dụng một loạt chiêu thức để thao túng tâm lý nạn nhân, xóa đi những ngờ vực ban đầu của họ, tạo dựng lòng tin và kích thích “đổ tiền”. Bọn chúng thổi phồng tính cấp bách của cơ hội đầu tư, “cơ hội có hạn, nếu không tham gia ngay, sẽ bị bỏ lỡ”; cho hiển thị những con số lợi nhuận khổng lồ từ các tài khoản “ảo”, hay “câu chuyện thành công” từ các nhà đầu tư, tung nhiều tài khoản seeding trong các nhóm “chat” để đóng vai người cùng đầu tư, nhằm tạo cảm giác có người đồng hành.v.v.

Về phía các nạn nhân, mặc dù ngày càng nhiều người quan tâm đến đầu tư, nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức tài chính để phân biệt các kênh đầu tư hợp pháp và các mô hình lừa đảo. Ngay người có trình độ học thức hoặc kinh nghiệm kinh doanh, đầu tư cũng không miễn nhiễm với các thủ đoạn lừa đảo được thiết kế tinh vi, bài bản. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư truyền thống không đem lại lợi nhuận kỳ vọng, nhiều người muốn tìm kiếm những cơ hội đầu tư sinh lời nhanh, khiến họ dễ bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo, chẳng hạn như mức lợi nhuận phi thực tế hoặc sự thiếu minh bạch trong mô hình kinh doanh. Cộng với hiệu ứng đám đông, khi nhiều người xung quanh tham gia và báo cáo lợi nhuận (dù giả mạo), thì tâm lý “sợ bỏ lỡ” cũng khiến các nạn nhân bị kích thích lao vào khi chưa kiểm tra đủ kỹ lưỡng.

Sau một loạt những vụ lừa đảo qua sàn forex (sàn giao dịch ngoại hối) thời gian qua, vụ án “Tiktoker Mr. Pips” tiếp tục phơi bày những góc khuất đáng báo động trong hoạt động đầu tư tài chính trực tuyến, và để lại những bài học, dù không mới, cho các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và xã hội nói chung. Với các nhà đầu tư, luôn phải nằm lòng nguyên tắc cơ bản trong đầu tư là lợi nhuận luôn đi kèm rủi ro. Bất kỳ lời mời chào nào cam kết lợi nhuận cao mà không có rủi ro đều là dấu hiệu lừa đảo. Đầu tư mà không hiểu rõ kênh đầu tư, sản phẩm hoặc thị trường là tự đặt mình vào nguy hiểm. Bản thân nhà đầu tư cần tự trang bị kiến thức về đầu tư và trước khi tham gia bất kỳ kênh đầu tư nào, cần kiểm tra chéo nhiều nguồn về tính minh bạch của mô hình kinh doanh, các chứng nhận pháp lý; và quan trọng là giữ một “cái đầu lạnh” với mọi quyết định tài chính.

Với các cơ quan chức năng, cần tăng cường việc tuyên truyền và cập nhật cảnh báo về các hình thức lừa đảo tài chính bởi những cảnh báo dường như luôn là chưa đủ. Một minh chứng là khi những thông tin chấn động về vụ “Mr Pips – Phó Đức Nam” vẫn còn “nóng” trên các trang truyền thông thì mới đây, hôm 12/12, một phụ nữ ở Hà Nội lại trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo với số tiền bị chiếm đoạt tới 9,4 tỷ đồng. Thậm chí, hiện còn xuất hiện cả chiêu lừa “giúp lấy lại tiền từ Mr Pips”!

Vụ việc “Tiktoker Mr. Pips” không chỉ là hồi chuông cảnh báo mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn lại cách thức tiếp cận đầu tư trong thời đại kỹ thuật số - một thời đại mở ra nhiều chân trời mới cho hoạt động đầu tư, nhưng cũng đi kèm vô vàn rủi ro nếu như những người tham gia không trang bị cho mình đủ kiến thức, bản lĩnh và sự sáng suốt.

Tin cùng chuyên mục

Tinh gọn trong mỗi cá nhân

Tinh gọn bộ máy, sáp nhập hay chấm dứt hoạt động là những từ khóa “hot” trong toàn bộ máy chính trị hiện nay.

"Trụ cột" giúp Việt Nam vươn tầm quốc tế

Là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, ngoại giao văn hóa được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại. Từ mục tiêu góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm nâng cao vị thế quốc gia, trong những năm qua, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào và để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế.

2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ông Lăng Đức Quyền (Ling Dequan), nhà nghiên cứu Trung Quốc về các vấn đề Việt Nam, khẳng định năm 2024 là "một năm bội thu” của ngoại giao văn hóa Việt Nam. Theo ông, ngoại giao văn hóa là công việc thường xuyên, liên tục, toàn diện và sẽ mang lại nhiều kết quả theo thời gian.

Nhịp cầu kết nối Việt - Lào

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên TTXVN tại Lào, bà Vansy Soukchaleurn, Phó Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật-Văn hóa, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đã chia sẻ những đánh giá tích cực về các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Lào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Quan hệ Việt Nam - Pháp vươn lên tầm cao mới trong năm 2024

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Pháp, khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris về những thành tựu nổi bật và các định hướng hợp tác tương lai giữa hai nước.

Nhận diện: Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam

Sau gần 40 năm đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền dân chủ và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Là một quốc gia đa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân. Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng và bảo hộ quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Những thành tựu của công tác tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao là minh chứng sinh động nhất về việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân.

“Chủ Nhật về làng” – Mô hình dân vận gần dân, giữ vững an ninh buôn làng

Mô hình “Chủ Nhật về làng” đã thực sự đi vào cuộc sống, chia sẻ với người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giữ vững an ninh trật tự địa phương. Tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), một mô hình dân vận độc đáo mang tên “Chủ Nhật về làng” đang được triển khai và nhanh chóng chứng minh được sức lan tỏa trong cộng đồng.

Cả nước giảm 9 huyện, 563 xã

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, việc kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là thành lập mới thành phố Huế trực thuộc trung ương, sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện và gần 1.200 đơn vị cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.

Khai mạc Triển lãm 80 năm Văn hóa - Văn nghệ Quân đội nhân dân Việt Nam

Tối 20/12, Triển lãm 80 năm Văn hoá - Văn nghệ Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, là một sự kết nối, là gam màu hoàn hảo tái hiện bức tranh sống động về hình ảnh những người “chiến sĩ - nghệ sĩ” Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận Tư tưởng - Văn hoá của Đảng.