Quan hệ Việt Nam - Pháp vươn lên tầm cao mới trong năm 2024
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Pháp, khi hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris về những thành tựu nổi bật và các định hướng hợp tác tương lai giữa hai nước.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định năm 2024 là một năm lịch sử trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, đặc biệt với chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 10/2024. Chuyến thăm đã đưa Pháp trở thành quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Sự kiện này không chỉ khẳng định sự tin cậy lẫn nhau mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng, văn hóa và giáo dục.

Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp, tiến hành họp định kỳ cơ chế hợp tác, đối thoại như Đối thoại cấp cao về kinh tế lần 8, Đối thoại Biển lần thứ nhất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tháo gỡ vướng mắc trong các hồ sơ song phương và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng hai bên sẽ sớm thống nhất lộ trình hiện thực hóa các cam kết trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt - Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2025.

Về kinh tế, Pháp tiếp tục là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm cơ hội tại thị trường Pháp.

Về quốc phòng, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Quân đội Pháp tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã nhấn mạnh vai trò của Việt Nam như một hình mẫu về hòa giải sau chiến tranh. Trong các tiếp xúc, trao đổi ở các cấp, hai bên cam kết triển khai các thỏa thuận đã ký và mở rộng hợp tác trong gìn giữ hòa bình, rà phá bom mìn, tìm kiếm người mất tích và triển lãm quốc phòng.

Các chương trình giao lưu văn hóa, giáo dục và khoa học giữa hai quốc gia cũng được đẩy mạnh, tạo nên những kết nối bền vững giữa thế hệ trẻ của chúng ta. Các sáng kiến hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, đã góp phần nâng cao chất lượng hợp tác toàn diện giữa hai bên.

Tuy nhiên, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng vẫn còn một số thách thức cần vượt qua. Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước cần đi sâu hơn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững. Việc tiếp cận thị trường và đầu tư cũng cần được cải thiện để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp hai nước. Ngoài ra, các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường cũng cần được đẩy mạnh để bắt kịp xu thế toàn cầu.

Để mối quan hệ này phát triển thiết thực hơn trong thời gian tới, hai bên cần chuyển đổi từ các cam kết đơn lẻ sang các chương trình hợp tác chiến lược dài hạn. Đồng thời, Pháp với vai trò là thành viên chủ chốt của EU có thể hỗ trợ Việt Nam mở rộng quan hệ với khối này, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng cần tận dụng các sáng kiến quốc tế do Pháp khởi xướng để nâng cao vị thế, như tham gia Hội nghị Thượng đỉnh AI (dự kiến diễn ra trong tháng 2/2025) hay Hội nghị Liên hợp quốc về Đại dương lần thứ 3 (6/2025).

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế tại Pháp cũng có bước tiến vượt bậc. Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò quan trọng trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thúc đẩy các dự án về phát triển bền vững, chuyển đổi số và ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, quan hệ với UNESCO tiếp tục được củng cố thông qua việc vận động thành công nhiều danh hiệu quan trọng, qua đó quảng bá hình ảnh quốc gia và thu hút nguồn lực phát triển.

Năm 2024 không chỉ là dấu mốc phát triển vượt bậc trong quan hệ Việt - Pháp mà còn khẳng định vai trò của Việt Nam như một đối tác quan trọng trên trường quốc tế. Với nền tảng vững chắc và sự cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung toàn cầu./.

Nguyễn Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

Nhận diện: Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam

Sau gần 40 năm đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền dân chủ và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Là một quốc gia đa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân. Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng và bảo hộ quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Những thành tựu của công tác tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao là minh chứng sinh động nhất về việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân.

“Chủ Nhật về làng” – Mô hình dân vận gần dân, giữ vững an ninh buôn làng

Mô hình “Chủ Nhật về làng” đã thực sự đi vào cuộc sống, chia sẻ với người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giữ vững an ninh trật tự địa phương. Tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), một mô hình dân vận độc đáo mang tên “Chủ Nhật về làng” đang được triển khai và nhanh chóng chứng minh được sức lan tỏa trong cộng đồng.

Cả nước giảm 9 huyện, 563 xã

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, việc kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là thành lập mới thành phố Huế trực thuộc trung ương, sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện và gần 1.200 đơn vị cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.

Khai mạc Triển lãm 80 năm Văn hóa - Văn nghệ Quân đội nhân dân Việt Nam

Tối 20/12, Triển lãm 80 năm Văn hoá - Văn nghệ Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, là một sự kết nối, là gam màu hoàn hảo tái hiện bức tranh sống động về hình ảnh những người “chiến sĩ - nghệ sĩ” Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận Tư tưởng - Văn hoá của Đảng.

Bức tranh chuyển đổi số báo chí 2024: Cả nước có 28 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục công bố xếp hạng về mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Theo đó, cả nước có 282 cơ quan báo chí tham gia triển khai đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024, chiếm 32,3% tổng số cơ quan báo chí của cả nước. Trong số 282 cơ quan báo chí này, có 28 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc, 65 đạt mức tốt, 55 đạt mức khá, 25 đạt mức trung bình và 109 đạt mức yếu.