Sau khi hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì khó khăn lớn nhất được đặt ra lúc bấy giờ là khâu tiếp tế hậu cần. Bởi chiến dịch dự kiến diễn ra dài ngày ở nơi địa hình rừng núi hiểm trở, mạng lưới đường giao thông hầu như chưa có. Lúc này, Đảng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược.
Ngày 06/12/1953, chủ tich Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến”
Đứng trước khó khăn đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được.”
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng,” hàng vạn người dân đã hăng hái làm đơn tình nguyện xung phong tham gia lực lượng xung kích phục vụ chiến dịch.
Vào cuối năm 1953, đầu năm 1954, Đèo Pha Đin là tuyến đường huyết mạch để lên Điện Biên Phủ. Con đèo này đã trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Pháp với quyết tâm “Thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững” các đại đội thanh niên xung đã anh dũng vượt qua bom đạn để bảo đảm con đường huyết mạch này...