Cầu Hòa Sơn nối 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang trong giai đoạn hoàn thiện. |
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và liên kết vùng; đồng thời, tích cực triển khai quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc trên địa bàn.
Tỉnh tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối trong vùng, giữa các địa phương; trọng tâm là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện. Trong giai đoạn mới, Thái Nguyên tăng cường thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ; khẩn trương triển khai các bước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Địa phương đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố tiềm lực an ninh - quốc phòng, giữ vững trật tự, an toàn xã hội...
Công trường thi công tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. |
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ và 74 nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể để thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh phân công cụ thể trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, thành phố trên địa bàn với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao, trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, trung tâm du lịch; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc...
Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, đến nay, tỉnh đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh bố trí nguồn lực theo kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách hằng năm; trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ, công trình, dự án mang tính chất liên vùng. Hiện, các dự án, công trình trọng điểm, mang tính chất liên vùng như: tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; dự án đường vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình đi Bắc Giang); dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang)... đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thái Nguyên đã quy hoạch 11 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích hơn 4.200 ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 2000 ha. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 93% số xã nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 6/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thái Nguyên là trung tâm giáo dục đào tạo lớn của cả nước với Đại học Thái Nguyên (gồm 8 trường đại học thành viên), Trường Đại học công nghiệp Giao thông vận tải, Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên và 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống y tế của tỉnh được quan tâm phát triển đồng bộ với 1 bệnh viện tuyến Trung ương hạng đặc biệt, 2 bệnh viện tuyến tỉnh hạng I, 9 bệnh viện hạng II, 14 bệnh viện hạng III. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh và người dân các tỉnh trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.../.