Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của khát vọng độc lập dân tộc
Ngày 22/8, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina, phối hợp với Đảng Cộng sản Argentina, đã tổ chức Hội thảo mang tên “Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh” tại Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo chủ nghĩa Marx (CEFMA) ở thủ đô Buenos Aires.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tại Argentina do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu, có sự tham gia của 100 đại biểu đến từ Đảng Cộng sản Argentina, Đảng Cộng sản Uruguay, nhiều nhà nghiên cứu, học giả và bạn bè yêu mến Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina Jorge Kneyness, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay Juan Castillo và Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina – Việt Nam (ICAV) Poldi Sosa Schmit cũng có mặt tại hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2024).

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cảm ơn tình đoàn kết, hữu nghị, sự ủng hộ vô cùng to lớn của nhân dân các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là nhân dân Argentina và Uruguay, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sau khi khẳng định giá trị vĩ đại, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam do Bác Hồ, Đảng và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và luôn kiên định, kiên trì đạt được.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng cách mạng, khoa học, trên nền tảng chủ nghĩa Marx - Lenin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại, phản ánh và giải quyết những nhu cầu khách quan của thực tiễn Việt Nam, đồng thời là kim chỉ nam để tạo ra sự bứt phá tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như hội nhập quốc tế. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức trung bình khoảng 6-7% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 40 lần, từ 100 USD vào năm 1990 lên mức 4.300 USD trong năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1992 xuống dưới 3% trong năm ngoái.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đang hiện thực ở Việt Nam sẽ được lan tỏa và cổ vũ mạnh mẽ cho các quốc gia trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Về phần mình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay Juan Castillo khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa Uruguay và Việt Nam, khi vào những năm 20 của thế kỷ trước Người đã tới Montevideo trên một con tàu viễn dương. Ông chia sẻ rằng các đảng viên Đảng Cộng sản Uruguay, từng có dịp đối thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 60 của thế kỷ trước, kể lại rằng Bác Hồ đã vô cùng xúc động khi biết các đồng chí người ngoại quốc đến từ quốc gia Nam Mỹ xa xôi, nơi Người đã từng đặt chân trên hành trình đi tìm đường cứu nước. Câu chuyện về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi qua Uruguay sau này đã được đăng trên tờ Nhân dân (El Popular), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Uruguay.

Tổng Bí thư Castillo bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục tinh thần đoàn kết, lòng quả cảm, sự hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, nguồn cổ vũ và động viên lớn lao đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Uruguay để vượt qua những thử thách khó khăn dưới chế độ độc tài phát xít những năm 70 của thế kỷ XX, đồng thời đánh giá cao những thành quả mà nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã đạt được trong sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong tham luận tại hội thảo, ủy viên Ban Bí thư Đảng Cộng sản Argentina, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Marcelo Fabian Rodríguez, Giám đốc CEFMA, nhấn mạnh Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và chống lại sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Đánh giá về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc, ông khẳng định Bác Hồ đã kết hợp chủ nghĩa yêu nước của nhân dân Việt Nam với nhu cầu giải phóng dân tộc khỏi sự bóc lột của đế quốc thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng các nước lạc hậu, bị đàn áp và bóc lột bởi chủ nghĩa thực dân, có thể thực hiện thành công “những bước tiến ngoạn mục trong lịch sử và xây dựng nền kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa dựa trên hoàn cảnh cụ thể”.

Ông Rodríguez cho biết Đảng Cộng sản Argentina đang thành lập Trung tâm nghiên cứu về Việt Nam để tìm hiểu chủ trương, chính sách, những kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, cũng như quảng bá thành tựu kinh tế - xã hội và hình ảnh một đất nước Việt Nam hiện đại, hội nhập, góp phần tăng cường hợp tác trao đổi giữa hai Đảng Cộng sản Argentina và Việt Nam. Ông Rodríguez nhấn mạnh: “Trong bối cảnh các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn đang diễn ra trên thế giới, kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam và hình ảnh sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời vì mục tiêu cao cả của những cam kết quốc tế, thực sự là những tài liệu tham khảo tuyệt vời”.

Giám đốc Viện nghiên cứu Địa chính trị CEFMA, Ruben Darío Guzzetti, trong tham luận trình bày tại hội thảo khẳng định dân tộc Việt Nam đã cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và đây là đóng góp vô cùng to lớn đối với nhân loại. Việt Nam đã chứng minh rằng không một kẻ thù nào có thể đánh bại một dân tộc với tinh thần đoàn kết và chiến đấu vì chính nghĩa.

Theo ông Guzzetti, dù xa cách về mặt địa lý nhưng mối quan hệ giữa Mỹ Latinh và Việt Nam đã được hình thành từ rất lâu. Chính người chiến sĩ cách mạng huyền thoại Argentina Che Guevara, biểu tượng của phong trào du kích, vào tháng 4/1966 từng gửi tới những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới thông điệp: “Dân tộc Việt Nam thật kiên cường và dũng cảm! Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam. Đó là khẩu hiệu đấu tranh!”. Thập kỷ 1960 là những năm tháng đầy sôi động khi cả thế giới đều hướng tới cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, tình cảm đoàn kết chiến đấu mà chiến sĩ cách mạng Che Guevara đã dành cho Việt Nam thật là sâu nặng. Tình đoàn kết quốc tế với Việt Nam sẽ góp phần củng cố niềm tin và sức mạnh của nhân dân Mỹ Latinh trong xây dựng và củng cố ý chí cách mạng ngày càng lớn mạnh hơn, góp phần mở rộng đội ngũ cách mạng.

Phát biểu bế mạc hội thảo, quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Argentina Kneyness khẳng định hơn bao giờ hết, hình tượng người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh, tấm gương sáng ngời của dân tộc Việt Nam trong phong trào giải phóng và độc lập dân tộc sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ, động viên các dân tộc trên thế giới, phong trào tiến bộ và những người chiến sĩ cộng sản tiếp tục đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân loại và của dân tộc mình./.

Diệu Hương - Ngọc Tùng

Tin cùng chuyên mục

Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới

Ngày 22/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới) đã tổ chức Phiên họp thứ tư.

Thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam ngày càng sâu sắc và thực chất

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 21/8, Tân Hoa xã đã đăng tải bài bình luận, với tiêu đề “Thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam ngày càng sâu sắc và thực chất”, trong đó nhấn mạnh việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức phản ánh tầm cao và tính chất chiến lược của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Một số kết quả giáo dục THPT năm học 2023-2024

Năm học 2023-2024, cả nước có 2.981 trường THPT. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 97%, tỷ lệ trung bình phòng học/lớp đạt 0,94. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng 14,3%, đạt 49,6%. Cả nước có 2.993.731 học sinh THPT, tăng 106.166 học sinh so với năm học 2022-2023. Tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc vào khoảng 99,4%.

Củng cố nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Dương Đan Chí (Yang Danzhi) – Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu An ninh khu vực thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, và Tiến sĩ Thôi Chấn Hải (Cui Chenhai) – Viện trưởng Viện Đầu tư Xã hội Hong Kong (Trung Quốc) về kết quả chuyến thăm.

Năm học 2023-2024: 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS

Năm học 2023-2024, Tỷ lệ cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục cấp THCS là 100%; 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 (đạt tỷ lệ 100%); có khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, còn lại khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Giáo sư C.Thayer: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc thành công rực rỡ

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc đã thành công rực rỡ. Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và hướng tới cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Chuyên gia Australia nhận định Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp và tình hữu nghị với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.