Theo hai chuyên gia, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm sau khi nhậm chức, điều này thể hiện sự coi trọng cao độ của Việt Nam và Trung Quốc đối với quan hệ song phương, phản ánh đầy đủ mối quan hệ hợp tác lịch sử và lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc đã vươn lên một tầm cao mới. Thành phần của phái đoàn hai nước có sự hiện diện của hầu như tất cả lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ ngành. Hai bên đã tiến hành trao đổi sâu rộng trong từng lĩnh vực cụ thể, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngày càng sâu rộng của mối quan hệ Trung Quốc và Việt Nam.
Đánh giá kết quả chuyến thăm, Tiến sĩ Dương Đan Chí nhấn mạnh lãnh đạo hai nước đã đạt được đồng thuận về nhiều khía cạnh, nhiều văn kiện hợp tác đã được ký kết. Sau chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc. Các văn kiện được ký kết lần này rất thiết thực, liên quan việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực như xây dựng Đảng, công nghiệp, tài chính, vấn đề thông quan, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc..., đồng thời cũng liên quan một số lĩnh vực cùng quan tâm. Điều này cho thấy, trên cơ sở mục tiêu dài hạn lớn là cùng nhau xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai, hợp tác song phương Việt - Trung ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển theo hướng thiết thực hơn.
Đáng chú ý, hợp tác giữa Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được đề cập trong chuyến thăm, cho thấy hai bên sẽ tăng cường hơn nữa nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực hệ tư tưởng, phản ánh đầy đủ rằng quan hệ hợp tác Trung Quốc và Việt Nam, với tư cách là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, thực sự có thể được thúc đẩy và thúc đẩy hơn nữa ở nhiều cấp độ và trong nhiều lĩnh vực.
Có thể nói, kết quả của chuyến thăm lần này rất nổi bật, chắc chắn sẽ góp phần củng cố quan hệ song phương bền vững và ổn định, đồng thời có tác động tích cực đến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Thôi Chấn Hải cho rằng hai bên đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác song phương trên góc độ lịch sử và chiến lược. Quan trọng hơn, hai bên đã liên tục làm sâu sắc hơn sự phát triển trên cơ sở sẵn có của mình. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác và thúc đẩy môi trường và nguồn tài nguyên kinh tế của các khu vực xung quanh. Đặc biệt trong thế giới hiện nay, khi môi trường kinh tế thay đổi mạnh mẽ và xung đột cục bộ ngày càng gia tăng, mối quan hệ hợp tác sâu sắc, lâu dài và ổn định giữa Trung Quốc và Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ổn định môi trường chính trị quốc tế và phát triển kinh tế trên toàn khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục đưa ra nhiều ý tưởng mới và thúc đẩy việc hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, tài chính, thậm chí trao đổi và hợp tác sâu rộng trong xây dựng đảng. Điều này cũng phản ánh rằng quan hệ hai nước góp phần quan trọng để duy trì sự ổn định và thịnh vượng kinh tế ở châu Á cũng như định hướng cho sự phát triển bền vững của thế giới.
Nhận định về sự phát triển hợp tác giữa hai nước trong tương lai, Tiến sĩ Dương Đan Chí cho rằng chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy trong giai đoạn mới, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt chiến lược cho quan hệ song phương phát triển trong tương lai. Hai bên có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực hơn dựa trên niềm tin về xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong tương lai sẽ nâng lên tầm cao mới.
Tiến sĩ Thôi Chấn Hải cho rằng, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và văn hóa đã không ngừng đi vào chiều sâu. Sau chuyến thăm lần này, Trung Quốc và Việt Nam sẽ phát triển hợp tác chi tiết hơn, trao đổi và hội nhập các nguồn lực sâu rộng hơn, đạt được nhiều sự kết nối hơn; các dự án hợp tác sẽ phong phú hơn, mang ý nghĩa chiến lược hơn. Trung Quốc và Việt Nam hiện đã đạt đến giai đoạn phát triển trình độ cao và chất lượng cao, đang chuyển đổi từ ngành sản xuất truyền thống dựa trên tài nguyên truyền thống sang ngành công nghiệp sản xuất tinh xảo, chất lượng cao. Do đó, sự hợp tác hai bên cũng sẽ có những thay đổi căn bản liên quan hợp tác về công nghệ cao, song song với thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn trong nông nghiệp, y tế, hoặc thông tin điện tử…/.
Thành Dương