Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Israel: Cải cách hành chính - cầu nối vững chắc giữa kiều bào và quê hương
Việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện) là bước cải cách hành chính quan trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là kiều bào tại Israel và nhiều quốc gia khác, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy quê hương đang không ngừng hoàn thiện thể chế, hướng đến một nền hành chính hiện đại, minh bạch và gần dân hơn. Đó là ý kiến đánh giá của bà Trương Thị Hồng - Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Israel trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Tel Aviv.

Theo bà Trương Thị Hồng, khi bộ máy hành chính được tinh giản, giảm tầng nấc trung gian, người dân bao gồm cả kiều bào, sẽ cảm nhận được sự thay đổi thông qua các dịch vụ công nhanh gọn, dễ tiếp cận, và minh bạch hơn. Điều này góp phần củng cố niềm tin của kiều bào vào sự đổi mới của đất nước, từ đó thúc đẩy sự gắn bó, kết nối với quê hương mạnh mẽ hơn. Nhiều kiều bào cũng quan tâm đến việc đầu tư, hỗ trợ phát triển địa phương, nên nếu thủ tục hành chính được rút gọn, họ sẽ càng có thêm động lực để quay về đóng góp. Ngoài ra, mô hình mới nếu được vận hành hiệu quả còn có thể tạo điều kiện cho chính quyền địa phương lắng nghe và đáp ứng tốt hơn những nguyện vọng, đề xuất từ phía cộng đồng kiều bào. Điều này sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ tương hỗ bền chặt giữa Nhà nước và người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Israel nhấn mạnh: "Sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới chính là khát vọng chung của mọi người con mang dòng máu Lạc Hồng. Tình yêu quê hương không chỉ là nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, mà còn là sự trân trọng và đồng hành với từng bước tiến vững chắc của Tổ quốc trên con đường phát triển".

Bà Trương Thị Hồng - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Israel. Ảnh: Thanh Bình - PV TTXVN tại Israel

Bà Trương Thị Hồng cho biết với nhiều năm sinh sống và lập gia đình tại Israel, một quốc gia nhỏ về diện tích nhưng rất năng động và sáng tạo, bà nhận thấy một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của nước này chính là mô hình quản trị tinh gọn, hiệu quả và minh bạch. Tại Israel, các cấp chính quyền được tổ chức rất gọn nhẹ, giảm tối đa thủ tục trung gian. Người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công thông qua các nền tảng số hiện đại. Điều đặc biệt ấn tượng là tính tự chủ cao của các địa phương – họ được quyền quyết định nhiều vấn đề sát với thực tế, từ đó giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu người dân. Chính phủ đóng vai trò định hướng, giám sát và hỗ trợ, thay vì can thiệp quá sâu vào từng khâu điều hành địa phương.

Theo bà Trương Thị Hồng, điều quan trọng đầu tiên là tiết kiệm thời gian cho người dân, giúp họ nắm bắt dễ dàng và nhanh nhất mọi thay đổi trong các điều luật: Bà chia sẻ: "Một người con sống xa Tổ quốc như tôi đều rất vui và mong rằng trong tương lai gần mọi thủ tục hành chính sẽ thay đổi để nhanh, thuận tiện nhất có thể cho người dân"./.

Thanh Bình

Tin cùng chuyên mục

Kiều bào tại Lào tin tưởng, tự hào về những đổi mới chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tin tưởng và tự hào trước quyết tâm đổi mới, sắp xếp địa giới hành chính để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo động lực phát triển bền vững, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ trên trường quốc tế. Đó là những chia sẻ của kiều bào tại Lào nhân sự kiện chính trị - lịch sử trọng đại “sắp xếp lại giang sơn”, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ-Việt Nam đặt kì vọng vào công cuộc "sắp xếp lại giang sơn"

Hòa chung không khí cả nước đồng loạt trang trọng tổ chức “Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu”, phóng viên TTXVN tại Geneve ngày 1/7 đã có cuộc trao đổi với đại diện Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ-Việt Nam (SVEF) về thời khắc lịch sử này.

Việt Nam khẳng định vị thế, vai trò quốc tế tại Hội nghị FfD4

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Seville, Tây Ban Nha, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển (Hội nghị FfD4) tại Seville, sáng 1/7 theo giờ địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã dự và có phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị FfD4.

“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc sử dụng và bảo vệ tiếng Việt. Mặc dù là một trong số ít những lãnh tụ trên thế giới thông thạo nhiều ngoại ngữ, thế nhưng BÁC chỉ sử dụng ngoại ngữ trong những trường hợp bắt buộc. Người chú trọng dùng tiếng mẹ đẻ, nói ngôn ngữ của dân tộc. Người luôn khẳng định vị trí đặc biệt không thể thay thế của tiếng Việt trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Người thường nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”; hay “ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta; phải giữ cái tiếng của chúng ta”.  

Người dân hài lòng, cán bộ quyết tâm trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền hai cấp

Ngày 1/7, có 168 phường, xã mới tại TP Hồ Chí Minh chính thức vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cải cách hành chính. Chỉ trong buổi sáng, các hoạt động hành chính diễn ra thuận lợi, người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, phường Thủ Đức trở thành điểm sáng của TP Hồ Chí Minh (mới) khi mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại, đó là đưa robot vào hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính.