“Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc” |
Thực hiện lời dạy của Bác, các thế hệ người Việt Nam đã có nhiều cách để giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc, trong đó việc dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ đang sinh sống ở nước ngoài là cách mà tiến sĩ Trần Hồng Vân, Hiệu trưởng trường Việt ngữ Vietschool lựa chọn để duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt ở Australia.
Với quan niệm, tiếng Việt chính là quê hương, tiếng của trái tim, chị Vân cho rằng với các trẻ em người Việt sinh sống và học tập ở nước ngoài, học tiếng Việt không đơn thuần là học thêm một ngôn ngữ, mà đó còn là cách để tạo sự gắn kết các em với “dải đất hình chữ S” yêu thương.
Tiến sĩ Trần Hồng Vân – Hiệu trưởng trường Việt ngữ Vietschool: Mình cùng với các cộng sự khác đã quyết định lập trường Vietschool này với mong muốn có làn gió mới cho việc dạy tiếng Việt ở Úc. Được sự hỗ trợ của cựu Tổng lãnh sự Việt Nam ở Sydney Nguyễn Đăng Thắng giúp thành lập trường Vietschool. Đến nay trường đã thành lập được hơn 2 năm rồi.
Còn tại LB Nga, việc giữ gìn tiếng Việt lại được các bạn sinh viên đang học tập tại đây thực hiện một cách vô cùng hiệu quả bằng mô hình lớp học “Tiếng Việt vui” cho con em cộng đồng tại LB Nga. Mục đích của lớp học “Tiếng Việt vui” là giúp các bạn nhỏ Việt Nam tại Nga nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, và qua đó xây dựng, khơi gợi ở các em tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng khám phá bản sắc, văn hóa Việt Nam.
Bạn Hồ Thị Bích Ngọc – Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Tiếng Việt vui”: Duy trì tổ chức CLB Tiếng Việt vui này không chỉ dừng lại ở việc dạy học mà là sử dụng như một công cụ và từ đấy chúng ta phát triển của cộng đồng con em người Việt tại Nga đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Bác Nguyễn Trọng Giao – Phụ huynh học sinh: Gần như là 100 % phụ huynh đều muốn con cháu mình không bị quên tiếng mẹ đẻ và biết được tiếng Việt càng nhiều càng tốt. Đó là nhiệm vụ không thể bỏ qua được đối với phụ huynh chúng tôi.
Không chỉ mở các lớp học tiếng, mở các câu lạc bộ để nâng cao khả năng tiếng Việt cho các bạn nhỏ, tại Nhật Bản, cộng đồng hơn 1.000 người đang sinh sống, học tập và làm việc tại vùng Kansai đã và đang không ngừng nỗ lực duy trì và phát triển tiếng Việt thông qua các hoạt động hướng về cội nguồn, nâng cao ý thức dân tộc cho thế hệ trẻ bằng các hoạt động đầy ý nghĩa như xây dựng Tủ sách Tiếng Việt, hay phát động cuộc thi vẽ tranh về quê hương Việt Nam với chủ đề “Việt Nam trong em”.
Bé Hoàng Minh Quang – Người Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản: Con tên là Hoàng Minh Quang, con học lớp 4, con vẽ tranh chú bộ đội, con yêu chú bộ đội, con muốn làm chú bộ đội, con yêu Việt Nam.
Học tiếng Việt không chỉ đơn thuần chỉ là học nói, học nghe, mà thông qua nhiều hoạt động khác nhau, con người mới có thể tiếp thu ngôn ngữ một cách có hệ thống. Học tiếng Việt, đọc truyện tiếng Việt hay tham gia thi vẽ tranh Việt Nam là cách tốt nhất để giúp các em nhỏ nhanh chóng tiếp thu tiếng Việt và thêm yêu văn hóa Việt Nam. /.
Ngọc Lan - Thanh Bình