Chủ tịch nước dự Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2025 |
Diễn văn khai mạc của Phó Pháp chủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy Ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nêu rõ chủ đề của Vesak năm nay là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” chính là thông điệp cấp thiết hơn bao giờ hết, mang một ý nghĩa đầy nhân văn, sâu sắc và đầy tính thời đại mà cộng đồng Phật giáo muốn gửi đến toàn thế giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc , Hòa thượng Phra Brahmapundit cho biết, kể từ khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận Ngày Vesak vào năm 1999, ngày lễ linh thiêng này đã đoàn kết cộng đồng Phật giáo toàn cầu trong hòa bình và suy tư. Chủ đề năm nay “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” kêu gọi tất cả đáp ứng những thử thách toàn cầu bằng lòng từ bi, chánh niệm và quyết tâm chung.
Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Lương Cường nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các chính phủ, các tổ chức quốc tế và đông đảo quý vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên toàn thế giới, cùng quý vị đại biểu, đồng bào, tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước; khẳng định đây là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa hợp.
Chủ tịch nước đánh giá cao chủ đề Đại Lễ Vesak 2025 nhấn mạnh đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.
Nêu rõ Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch nước cho rằng trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử,Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước đánh giá chủ đề của Đại lễ Vesak năm nay đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên hợp quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát huy tinh thần khoan dung, hòa hợp, nhân ái và từ bi mà đức Phật đã trao truyền, để cùng nhau xây dựng thế giới "hòa bình an lạc".
Với vai trò là nước chủ nhà, Chủ tịch nước tin tưởng rằng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của Đại lễ; đồng thời, có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam; cũng như thông qua trí tuệ Phật giáo để xây dựng tương lai thế giới hoà bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu đã chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni,bảo vật Quốc gia Ấn Độ và là bảo vật thiêng liêng vô giá của nhân loại, được tôn trí tại chùa Thanh Tâm. Xá lợi Đức Phật là kết tinh của tinh thần bi, trí, dũng, là hiện thân của hạnh nguyện vô ngã vị tha.