Báo Nhật Bản: Việt Nam đang rút kinh nghiệm từ quá khứ và hướng tới tương lai
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, báo Nikkei Asia ngày 5/5 đã đăng bài mega story của nhà báo Atsushi Tomiyama, phân tích về sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng mà Việt Nam gặt hái được nhờ vào những nỗ lực đổi mới.

Bài viết dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, tính theo đơn vị tiền tệ địa phương, trong năm 2024 lớn hơn 51 lần so với năm 1994 - mức tăng trưởng cao nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thành công về kinh tế của Việt Nam được cho chủ yếu là nhờ các chính sách Đổi mới được đề xuất tại Đại hội Đảng Cộng sản năm 1986. Bài viết cho rằng những nỗ lực đổi mới này bắt đầu “đơm hoa kết trái” từ nửa sau những năm 1990. Bài báo của Nikkei Asia dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm Chiến thắng 30/4 ở Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh "phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, phát huy các giá trị và những thành tựu đã đạt được qua 40 năm Đổi mới" để "giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước".

Cùng với Đổi mới, Việt Nam đã chứng kiến một số sự kiện quan trọng khác trong những thập kỷ qua: Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế Việt Nam vào năm 1994, mở ra cánh cửa cho hoạt động thương mại và đầu tư gia tăng từ các nước phương Tây; gia nhập ASEAN vào năm 1995; gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007; và việc mở nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn của Samsung vào năm 2009.

Nhà báo của Nikkei Asia cũng đã nêu lên những kết quả ấn tượng mà các công ty nước ngoài gặt hái được khi đầu tư vào Việt Nam.

Samsung - tập đoàn có vốn đăng ký 23,2 tỷ USD vào Việt Nam - trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại quốc gia này. Năm 2024, Samsung Việt Nam đã ghi nhận doanh thu 62,5 tỷ USD, bao gồm 54,4 tỷ USD thu nhập từ xuất khẩu. Con số này chiếm 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo bài báo, từ những năm 2010, Việt Nam đã gặt hái được những lợi ích khi trở thành quốc gia dẫn đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất mà một biểu tượng của xu hướng này là Apple. Theo danh sách mà tập đoàn công nghệ này bắt đầu công bố vào năm 2012, số lượng nhà cung cấp của công ty tại Việt Nam đã tăng từ 12 vào năm 2015 lên 35 vào năm 2024 - lớn nhất ở Đông Nam Á. Thái Lan đứng thứ hai với 24 nhà cung cấp.

Một nhóm các ngành công nghiệp liên quan đã nổi lên và các linh kiện điện tử hiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bài báo nhận định Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên giàu có hơn trong trung hạn đến dài hạn. Bài báo dẫn số liệu của IMF cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.535 USD vào năm 2024. GDP bình quân đầu người đã vượt quá 3.000 USD vào năm 2018, được coi là một chỉ báo quan trọng cho việc tăng mua ô tô, nhà ở và các mặt hàng đắt tiền khác. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt GDP bình quân đầu người trên 7.500 USD vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhà báo của Nikkei Asia nhận định: “Sau khi vượt qua lịch sử đau thương của chiến tranh, Việt Nam đang rút kinh nghiệm những bài học từ quá khứ và hướng tới tương lai”. Kết thúc bài báo, nhà báo Nikkei Asia đã trích dẫn lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm "khép lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt và hướng tới tương lai"./.

Nguyễn Tuyến

Tin cùng chuyên mục

50 năm Thống nhất đất nước: Kiều bào tại Pháp tự hào chứng kiến quê hương phát triển

Cuối tuần qua, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris của Pháp, trong không khí trang trọng và đầy xúc động, Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Sự kiện đã quy tụ đông đảo bà con Việt kiều thuộc nhiều thế hệ, từ những người đã trực tiếp chứng kiến và đóng góp cho công cuộc giải phóng nước nhà, đến thế hệ trẻ sinh ra trong hòa bình, độc lập.

Các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn báo Nikkei cho biết Aeon- tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, có kế hoạch tăng số lượng đại siêu thị, hay còn gọi là “Super Supermarket (SSM)” và cửa hàng bách hóa tổng hợp (GMS) mà công ty đang vận hành tại Việt Nam từ 12 (tính đến tháng 2/2025) lên khoảng 100 cửa hàng vào năm 2030. Một tập đoàn lớn khác của Nhật Bản là Sumitomo cũng có kế hoạch mở siêu thị tại Việt Nam, với tốc độ khoảng 10 cửa hàng mỗi năm.

Báo chí với vai trò nhân rộng gương người tốt việc tốt

Ngày 6/5/1962, nói chuyện trong buổi lễ bế mạc Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương thành tích của các anh hùng, chiến sĩ thi đua và mong muốn các phong trào thi đua ngày càng phát triển rộng khắp.

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Sáng 5/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị khách quốc tế…

Nước non vững bền - Bài 3: Lịch sử soi đường tới tương lai

Dưới góc nhìn quốc tế, ngày 30/4/1975 là dấu mốc kết thúc “cuộc chiến dài nhất thế kỷ XX” sau gần 30 năm nhân dân Việt Nam chiến đấu bền bỉ, anh dũng với muôn vàn gian khổ, hy sinh, mất mát. Tròn 50 năm núi sông liền một dải, truyền thông nước ngoài đã dùng hình ảnh "Việt Nam - Thiên sử anh hùng và hành trình vươn tới tương lai” để khẳng định ý nghĩa và sức lan tỏa của Mùa Xuân đại thắng năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không chỉ trong sự nghiệp thống nhất đất nước Việt Nam mà cả trên con đường hiện thực hóa khát vọng vươn mình.